Thành quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ

- Thứ Năm, 12/11/2020, 06:17 - Chia sẻ
Hai lần Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ngồi “ghế nóng” chất vấn trong nhiệm kỳ này (tại Kỳ họp thứ Hai và thứ Năm), phần lớn câu hỏi của đại biểu tập trung vào vấn đề ô nhiễm môi trường. Điều này dễ hiểu bởi thời điểm diễn ra các phiên chất vấn đều gắn với sự cố lớn như vụ Formosa hay tình trạng rác thải gây ô nhiễm trầm trọng… “Với tư cách Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Trên hội trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà không né tránh, đồng thời đề xuất những giải pháp căn cơ và đôn đốc triển khai ngay sau kỳ họp. Nỗ lực của Bộ trưởng và cả ngành đã tạo ra những chuyển biến tích cực: Nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm chậm lại...

 Giải quyết từ gốc

Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội Khóa XIV giao cho ngành tài nguyên và môi trường nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải; giám sát môi trường dự án Formosa Hà Tĩnh… Đây có thể nói là những giải pháp căn cơ nhằm xử lý tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường.

Ảnh: Q. Khánh

Từ sau Kỳ họp thứ Hai (tháng 10.2016) đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 26 văn bản nhằm khắc phục những bất cập về kiểm soát hoạt động xả thải, tăng cường kiểm soát ô nhiễm và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…; bổ sung phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải; bổ sung danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 và buộc các dự án thuộc loại hình này phải có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải. Để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Quyết định 09/2020/QĐ-TTg ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường do chất thải.

Trong hơn 3 năm qua, Bộ đã chủ trì xây dựng 44 TCVN về môi trường, ban hành 48 QCVN và đang hoàn thiện 8 dự thảo QCVN trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn về môi trường của Hàn Quốc cũng như kế thừa các QCVN hiện có. Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải”, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, đang được Bộ triển khai theo hướng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải đồng bộ với hệ thống cấu trúc cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường trước. Sau đó, yêu cầu các đối tượng quản lý và cơ quan quản lý khai báo, cập nhật thông tin, dữ liệu online trên Hệ thống cơ sở dữ liệu đã được hoàn thiện này mà không tổ chức điều tra, thống kê trực tiếp nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ.

Bộ chú trọng kiểm soát tác nhân gây ô nhiễm môi trường của Dự án Formosa Hà Tĩnh (FHS). Kết quả giám sát từ tháng 7.2016 đến nay cho thấy, nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường đều phù hợp với QCVN quy định; chất lượng môi trường biển đã an toàn, ổn định; môi trường nước ngầm và không khí xung quanh đáp ứng QCVN quy định; FHS đã quản lý các loại chất thải rắn phát sinh theo đúng quy định. Bộ và 4 tỉnh miền Trung đang triển khai dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung”. Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các nội dung đều đang được triển khai đúng tiến độ.

Trong bối cảnh rác thải sinh hoạt đang xâm chiếm, phá hoại môi trường sống của người dân từ vùng quê xa xôi đến các đô thị, việc tìm kiếm công nghệ hiện đại để xử lý là rất cần thiết. Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ tiên tiến chỉ góp phần vào khâu cuối cùng của quy trình quản lý, thu gom và xử lý chất thải, chứ không thể thay đổi nhận thức, tư duy và trách nhiệm của người dân với rác thải. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm chưa phải là xây dựng những nhà máy xử lý rác thải khổng lồ mà chính là giáo dục, đưa văn minh về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề rác thải vào tư duy của mọi người dân. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng hơn một lần nói rằng “cần tạo phong trào toàn dân tham gia xử lý rác, phân loại tại nguồn”.

Ý tưởng này đang được hiện thực hóa trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo, thiết kế điều khoản yêu cầu hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành các nhóm khác nhau và có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo khối lượng phát sinh (thay vì “đổ đồng” theo đầu người hoặc theo hộ gia đình như hiện nay). Với chính sách này, nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”- biện pháp kinh tế tác động vào hành vi của các chủ thể theo hướng có lợi cho môi trường mà thế giới áp dụng từ lâu, sẽ được xác lập và thực thi ở nước ta.

Theo đó, ai càng xả rác nhiều sẽ phải trả tiền nhiều hơn cho chi phí xử lý rác. Cách tiếp cận như vậy không chỉ có lợi cho môi trường, cho phát triển kinh tế, mà có thể giúp nước ta thoát khỏi tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay, đó là vừa phải cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý rác thải với chi phí rẻ, vừa phải bảo đảm xử lý rác thải hiệu quả (đồng nghĩa với chi phí cao).

Thích ứng biến đổi khí hậu

Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, trong Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội yêu cầu ngành tài nguyên xây dựng chính sách, pháp luật ứng phó biến đổi khí hậu.

Thực tế, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 lần đầu tiên luật hóa những quy định về ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung nhiều nội dung mới vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Các chiến dịch như không dùng đồ nhựa sử dụng một lần - mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm rất tốt - là cần thiết nhưng chưa đủ. Biến đổi khí hậu đòi hỏi một tầm nhìn bao quát để điều chỉnh chính sách, chủ trương, nhằm tìm cách tổ chức cuộc sống thích ứng với sự khắc nghiệt chắc chắn còn kéo dài.

Với tinh thần này, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), cụm từ “ứng phó với biến đổi khí hậu” đã được thay thế bằng “thích ứng với biến đổi khí hậu” với nội hàm mở rộng và ở thế chủ động hơn. Theo đó, thích ứng với biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tận dụng những cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại. Các nội dung của thích ứng với biến đổi khí hậu (kịch bản, tác động, giải pháp) được lồng ghép hệ thống chiến lược quy hoạch…

Đặc biệt, lần đầu tiên việc “tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước” được thể hiện trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Điều khoản này là bước tiến quan trọng trong việc hình thành thị trường các-bon tại Việt Nam. Bên cạnh mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá các-bon còn góp phần huy động các khoản đầu tư xanh; thúc đẩy quốc gia, ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng phát thải thấp cũng như khuyến khích tiêu dùng thân thiện môi trường. Ngày 22.10 vừa qua, Việt Nam đã thu về 51,5 triệu USD (1.200 tỷ đồng) khi ký kết chuyển nhượng cho Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Còn rất nhiều việc phải làm để hình thành và phát triển thị trường các-bon trong nước, nhưng điều quan trọng là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt nền móng bằng việc tạo khuôn khổ pháp lý cho thị trường vận hành. Tương tự, những giải pháp căn cơ nhằm xử lý tận gốc các vấn đề của ngành tài nguyên và môi trường có thể chưa mang lại kết quả nhìn thấy ngay lập tức nhưng chắc chắn sẽ tạo ra chuyển biến đột phá và bền vững trong tương lai. 

Tiểu Phong