Thanh Trì căng mình chống dịch

- Thứ Ba, 10/08/2021, 06:32 - Chia sẻ
Tính từ ngày 27.4 đến 6h ngày 9.8, trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội đã ghi nhận 158 ca dương tính với Covid-19. Bên cạnh thực hiện tốt các biện pháp cách ly y tế, truy vết các đối tượng liên quan đến ca bệnh dương tính, huyện đã thiết lập các “vùng xanh” an toàn để bảo vệ người dân trước sự tấn công của dịch bệnh.
	Các chốt vùng xanh trên địa bàn huyện Thanh Trì hoạt động 24/24 bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả Ảnh: Tường VI
Các chốt vùng xanh trên địa bàn huyện Thanh Trì hoạt động 24/24 bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả
Ảnh: Tường VI

Thiết lập 219 “vùng xanh” an toàn

Những ngày này, tại các chốt bảo vệ vùng an toàn không có dịch trên nhiều tuyến đường thôn, xóm, khu dân cư, khu chung cư trên địa bàn huyện Thanh Trì đã được dựng những tấm biển màu xanh. Tấm biển này có tên gọi là “Vùng xanh” và được in nội quy rất rõ: Tất cả người lạ, khách ra vào phải khai báo y tế, thực hiện thông điệp 5k, tuân thủ theo hướng dẫn của lực lượng trực chốt; hàng hóa chỉ nhận tại bàn trực chốt; mỗi cá nhân đều phải có ý thức tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Các vùng xanh được giám sát bởi đội ngũ cán bộ thôn, xóm, khu dân cư và có khi do chính người dân được cắt cử tham gia quản lý chốt. Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận thường xuyên giám sát, nhắc nhở và động viên các chốt vùng xanh hoạt động hiệu quả. Các vùng xanh trên địa bàn huyện Thanh Trì hoạt động theo mô hình “3 lớp, 4 tại chỗ” để bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn.

Thị trấn Văn Điển là một trong số ít địa phương chưa ghi nhận ca bệnh dương tính với Covid-19 trên địa bàn huyện Thanh Trì. Mặc dù vậy, thị trấn không lơ là với dịch bệnh mà đã xây dựng 30 điểm chốt xanh tại các "vùng xanh" trên địa bàn. Chủ tịch UBND thị trấn Lê Ngọc Thường cho biết, việc xây dựng các "vùng xanh" giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống dịch. Chính người dân sẽ bảo đảm an toàn cho chính mình, gia đình và nơi mình sinh sống. Trong thời gian qua, thị trấn thường xuyên tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội và xác định mỗi người dân phải là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch. Do đó, không chỉ ý thức về sức khỏe của bản thân, những hộ kinh doanh hàng thiết yếu trên địa bàn cũng thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã thiết lập 219 vùng xanh an toàn tại các khu cân cư, tổ dân phố, thôn, xóm để bảo vệ người dân trước sự tấn công của dịch bệnh. Việc xây dựng các "vùng xanh" nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của người dân. Chị Lê Thị Tiến (xã Ngũ Hiệp) chia sẻ: "Việc bảo vệ, giữ an toàn nơi mình sinh sống là trách nhiệm của mỗi người dân. Do đó, dù có nhiều bất tiện nhưng người dân chúng tôi luôn chấp hành quy định của Nhà nước, của thành phố, của địa phương để dịch bệnh sớm qua và cuộc sống sẽ bình thường trở lại".

Bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân

Theo đánh giá của UBND huyện, sau 16 ngày thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, người dân luôn bình tĩnh, tin tưởng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, không có tâm lý hoang mang.

Trưởng phòng Y tế huyện Nguyễn Tiến Trung chia sẻ, để người dân yên tâm, huyện luôn chủ động phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu. Huyện đã chỉ đạo xây dựng Đề án triển khai cung cấp thực phẩm phục vụ người dân trên địa bàn với 2.597 tấn gạo, 832 tấn thịt các loại, 144 tấn thủy sản, 2.900 tấn rau và 3,4 triệu quả trứng. Nguồn dự trữ đáp ứng cấp độ 3 của dịch sẽ tăng từ 30 - 50%. Thời gian tự cân đối của huyện trong điều kiện dịch là từ 1 - 1,5 tháng. Đồng thời, huy động 62 xe chuyên dụng và xe tải có tải trọng từ 0,5 - 3 tấn để vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, tổ chức điểm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân tại Nhà văn hóa thôn Yên Xá (xã Tân Triều) với lượng hàng hóa đa dạng; tổ chức giãn cách khoa học, góp phần cung ứng hàng hóa đầy đủ. Đồng thời, rà soát, hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn dịch bệnh.

Huyện Thanh Trì cũng là đơn vị tiên phong của TP. Hà Nội thành lập các khu cách ly tập trung. Đến nay, huyện đang vận hành 3 khu cách ly: Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn I, Trường Cao đẳng Cơ điện 2, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội. Nhờ đó, tất cả các trường hợp F1 được phát hiện đều được cách ly ngay tại địa bàn huyện. Hiện nay, huyện đang xây dựng thêm 1 khu cách ly tập trung tại Trường THCS Vĩnh Quỳnh để sẵn sàng tiếp nhận các ca F1 và ứng phó với những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường cho biết, là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa của TP. Hà Nội nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn Thanh Trì cao hơn một số khu vực nông thôn khác. Do đó, huyện luôn quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối “không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác” trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6.8.2021 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội trên địa bàn với phương châm “thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn”. Việc cách ly toàn xã hội sẽ theo nguyên tắc “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”. Huyện Thanh Trì kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”, hướng tới sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Đào Cảnh