Tháo điểm nghẽn

- Thứ Tư, 17/11/2021, 20:18 - Chia sẻ
Thực hiện chủ trương, chính sách mở cửa, tăng cường quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh với mục đích đầu tư, khảo sát thị trường, thăm thân, du lịch... như: Cho phép các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực giá trị 15 ngày (thị thực D) cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam, không cần cơ quan, tổ chức trong nước bảo lãnh…

Ngoài ra, Việt Nam đã ký Hiệp định song phương miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ với gần 60 nước trên thế giới; thực hiện miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông với thời hạn cao nhất là 30 ngày đối với hầu hết các nước trong khối ASEAN; mở rộng đơn phương miễn thị thực cho công dân nhiều nước khác…

Tuy nhiên, lợi dụng chính sách mở của Nhà nước ta, thời gian gần đây, đã xảy ra tình trạng một số người nước ngoài vào Việt Nam dưới nhiều danh nghĩa khác nhau nhằm mục đích hoạt động phạm tội; các vụ việc người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong gần 10 năm triển khai thi hành Nghị định số 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất cho thấy: Số đối tượng là người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam bị trục xuất khỏi Việt Nam 1.063 người/58 tỉnh, thành phố. Trong đó, hạn chế việc đi lại của người nước ngoài, trục xuất: 149 trường hợp; Chỉ định chỗ ở của người nước ngoài: 76 trường hợp; tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác: 106 trường hợp; bắt buộc lưu trú tại Cơ sở lưu trú số 1 thuộc Bộ Công an: 35 trường hợp; Bộ Quốc phòng: 181 đối tượng; Hải Phòng: 111 đối tượng…

Các vi phạm của người nước ngoài tập trung chủ yếu vào những hành vi như: gây rối trật tự công cộng; xuất, nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép; vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; trộm cắp tài sản; sử dụng giấy chứng nhận tạm trú quá thời hạn; vận chuyển, mua bán, lưu hành tiền giả, lừa đảo rút tiền ngân hàng, kinh doanh, hướng dẫn du lịch trái phép, mở cửa cơ sở chữa bệnh trái phép, hoạt động môi giới hôn nhân trái phép…

Bên cạnh đó, tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam đã bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất nhưng cơ quan quản lý không thể tiến hành làm thủ tục trục xuất họ theo đúng thời hạn trục xuất vì người bị trục xuất không có điều kiện để hoàn thành các nghĩa vụ về dân sự, kinh tế, hành chính theo quy định; không có giấy tờ hoặc không mang theo giấy tờ tùy thân; sử dụng giấy chứng nhận tạm trú quá thời hạn mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không xác định được quốc tịch của người nước ngoài bị trục xuất… Đây là điểm nghẽn lớn nhất trong công tác quản lý người nước ngoài vi phạm, liên quan đến chi phí đi lại, ăn ở của đối tượng. 

Từ thực tế này, đại diện nhiều địa phương cho rằng, quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 112/2013/NĐ-CP cần bổ sung quy định hướng dẫn xử lý trong trường hợp người nước ngoài thuộc diện bị trục xuất nhưng không có điều kiện để thực hiện các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định; đồng thời hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác trục xuất.

Phạm Hải