Tháo gỡ khó khăn trong đăng kiểm tàu thuyền bằng vật liệu PPC

- Thứ Sáu, 27/07/2018, 23:46 - Chia sẻ
Ngày 27.7, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm tàu thuyền bằng vật liệu PPC (Polypropylene copolymer) của Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc.

Theo báo cáo tại hội nghị, vật liệu PPC có nhiều ưu điểm nhẹ, nổi trên mặt nước, giảm tiêu hao nhiên liệu cho tàu; chịu được axít, kiềm và nước biển vượt trội so với thép, không cần bảo trì bề mặt vỏ tàu trong một thời gian dài. Hà bám ít và không chắc nên dễ làm sạch, tiết kiệm rất nhiều kinh phí so với tàu vỏ thép hay gỗ; thân thiện với môi trường do có khả năng tái sinh như các loại nhựa thông thường khác. Qua thử nghiệm, đã có 16 phương tiện có sức chở từ 12 người trở xuống đều hoạt động an toàn.

Tuy nhiên, vật liệu PPC dễ cháy hơn và có mật độ quang của khói khi cháy cao; có ứng suất chảy cho phép là 23MPa, thấp hơn so với các loại vật liệu khác như thép và hợp kim nhôm; 2 phương tiện có sức chở lớn hơn 12 người đều bị sự cố, phát sinh một số hư hỏng khuyết điểm kỹ thuật trong quá trình khai thác…

Thảo luận tại Hội nghị, có ý kiến cho rằng, qua quá trình chế tạo và đưa vào sử dụng đối với vật liệu PPC cần đóng thêm phương tiện để thẩm định độ an toàn của chất liệu. Khi đóng, cần tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất của vật liệu. Có ý kiến đề nghị, việc nghiên cứu, ứng dụng KH - CN vào sản xuất là cần thiết nhưng vẫn phải bảo đảm trong khuôn khổ cho phép của hệ thống pháp luật. Trong đó, doanh nghiệp không tự ý đóng phương tiện khi chưa có hồ sơ thiết kế được thẩm định theo quy định. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu đóng phương tiện thủy nội địa có sức chở trên 12 người bằng vật liệu PPC để sử dụng thử nghiệm, cần báo cáo Bộ GT - VT về việc sản xuất phương tiện để hoạt động mang tính thử nghiệm…

Kết luận tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao các doanh nghiệp có tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, yêu khoa học đã tiên phong ứng dụng KH - CN vào sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu PPC, trong đó có Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đề nghị Bộ KH - CN tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về KH - CN, trong đó có các quỹ về KH - CN nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, hoàn thiện công nghệ với chất lượng sản phẩm an toàn, ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, Việt Nam đã công nhận và ký thỏa thuận hợp tác với 20 tổ chức đăng kiểm quốc tế, bao gồm các thành viên thuộc Hiệp hội Các tổ chức đăng kiểm quốc tế. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành đăng kiểm phương tiện của mình tại các tổ chức này phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đề nghị Bộ GT - VT tiếp tục nghiên cứu việc đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa có nhiều kích cỡ và khả năng chở khách khác nhau so với quy định của Quy chuẩn Việt Nam; sớm tổ chức đánh giá kết quả thử nghiệm để thu thập đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn cần thiết cho việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia phục vụ việc chế tạo các phương tiện tàu thủy có các kích cỡ khác nhau phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng của khách hàng.

KHÁNH DUY - YẾN LÊ