Sổ tay:

Tháo gỡ rào cản

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:29 - Chia sẻ
Thủ tục hành chính phiền hà, hệ thống thuế còn nhiều bất cập, hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao, còn phát sinh chi phí không chính thức, cùng với đó là các hạn chế về cơ sở hạ tầng, về nguồn lao động chất lượng cao… là những cản trở được nhắc tới trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI Australia tại Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến tháng 11.2021, Australia có 545 dự án đầu tư tại Việt Nam, chiếm 1,6% số dự án FDI của Việt Nam với tổng vốn là 1,94 tỷ USD. Hiện FDI của Australia chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị FDI tại Việt Nam và đứng thứ 19 trong danh sách các nền kinh tế có đầu tư FDI lớn nhất vào nước ta. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, con số này sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.

Bởi, hiện Việt Nam và Australia đang có 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) chung. Trong đó, có hai FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) với nhiều cam kết đáng kể của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư Australia. Với tác động cộng hưởng từ 3 FTA này và 12 FTA khác của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội đáng kể thu hút các doanh nghiệp Australia đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam và Australia vừa công bố Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế Australia - Việt Nam với mục tiêu đưa hai nước trở thành những đối tác thương mại Top 10 của nhau và tăng gấp đôi đầu tư song phương trong thời gian tới.

Như vậy, để tận dụng những quy định có lợi từ các FTA, Việt Nam cần giải quyết triệt để những rào cản nêu trên. Theo đó, Việt Nam cần cải cách toàn diện khu vực công, thường xuyên rà soát quy định pháp luật trong nước, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm nhà đầu tư Australia. 

Hiện, nhiều dự án đầu tư của Australia tại Việt Nam đã tạo ra những hiệu ứng kết nối tích cực với các đối tác trong nước. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất của các doanh nghiệp FDI Australia đã trở thành kiểu mẫu cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi, đồng thời cũng giúp nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân và người lao động địa phương.

Thực tế, Australia là một trong số ít các quốc gia có đầu tư tương đối lớn vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, chiếm 6% (giá trị đầu tư) và 8% (theo số lượng dự án). Đây cũng là con số cao hơn rất nhiều so với tình hình chung của đầu tư FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực này chỉ chiếm chưa đến 1%. Chính vì vậy, việc tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp FDI Australia, Việt Nam cũng là một gợi ý để các doanh nghiệp hai bên tận dụng được những quy định từ các hiệp định thương mại.

Nguyễn Minh