Tháo gỡ rào cản để phát triển bền vững

- Thứ Hai, 22/02/2021, 06:09 - Chia sẻ
Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu đã được nêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước. Theo số liệu thống kê, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Thế nhưng những đóng góp này được đánh giá là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và điều quan trọng nữa là vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản từ nội tại cũng như những bất cập về thể chế, quản lý nhà nước với kinh tế tư nhân.

Tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo, không ít ý kiến cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt nhiều rủi ro - cả rủi ro thông thường và rủi ro pháp lý. Nguyên nhân là bởi hệ thống pháp luật chưa cụ thể, minh bạch, thiếu hiệu lực, hiệu quả. Nguyên nhân nữa là còn sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; là bản thân nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa đáp ứng được các yếu tố quyết định như chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

Những rào cản đối với kinh tế tư nhân đã rõ ràng. Để tháo gỡ, tạo điều kiện cho khu vực này phát triển hơn nữa cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp. Cũng bởi vậy mà tại cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận Đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng diễn ra chiều 18.2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó đặt vấn đề về kinh tế tư nhân một cách đúng mức vì dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ nhưng vẫn còn các mặt tồn tại, hạn chế, ràng buộc nhất định đối với sự phát triển - Thủ tướng nhấn mạnh.

Để kinh tế tư nhân phát triển tốt hơn, bền vững hơn theo Thủ tướng, tinh thần là phải đổi mới quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đề án về đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân nêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW và Nghị quyết 98/NQ-CP. Muốn vậy, trước tiên, các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện; bảo đảm công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế.

Kinh tế tư nhân đã và đang khẳng định là một trong những động lực kinh tế quan trọng của đất nước và còn nhiều dư địa để phát triển. Nhưng để khu vực này phát huy toàn diện hiệu quả, cần thiết phải có bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bảo đảm hoạt động theo cơ chế thị trường.

Ninh Hà