Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tự chủ đại học

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:44 - Chia sẻ
Trao đổi với báo chí ngày 25.11 về Hội thảo Giáo dục - VEC 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, từ góc độ cơ quan lập pháp, giám sát, Ủy ban mong muốn qua hội thảo nhìn nhận ra những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện tự chủ đại học, đề xuất giải pháp tháo gỡ, từ đó thúc đẩy đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam.

Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ

Lý giải việc lựa chọn chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” cho VEC 2020, Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng cho biết, qua giám sát, khảo sát, Ủy ban nhận thấy, mặc dù nội dung tự chủ là một yêu cầu bắt buộc và xuyên suốt, đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học 2012, nhưng trong thực tế triển khai còn vướng mắc. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học không chỉ bị điều chỉnh bởi Luật Giáo dục đại học mà còn bởi các luật khác, như về tài chính của trường công được quy định bởi Luật Ngân sách nhà nước; hoạt động khoa học - công nghệ thì được quy định bởi Luật Khoa học - công nghệ; quản lý tài sản thì theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tổ chức nhân sự thì theo Luật Viên chức…

Thế nên, dù đã sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học vào năm 2018, nhưng cũng chỉ chủ yếu tháo gỡ được những vướng mắc về mặt chuyên môn, trong khi nhiều hoạt động của nhà trường bị điều chỉnh bởi quy định của các luật chuyên ngành khác, mà các luật khác lại chưa thể hiện được tinh thần của tự chủ đại học, cho nên chưa tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho các cơ sở giáo dục đại học.

“Ủy ban mong muốn qua hội thảo lần này được nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đại diện cơ sở giáo dục đại học, các đại biểu Quốc hội hoạt động trong lĩnh vực này… để đánh giá những mặt được, và đặc biệt là những tồn tại, vướng mắc của tự chủ đại học, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, để tự chủ đại học trở thành thực chất trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học” - Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng nói.

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội  

Ảnh: Nguyễn Trung 

Khuyến nghị chính sách khả thi

Điểm mới của VEC 2020 là trong khâu tổ chức có sự phối hợp chặt giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ với các cơ sở giáo dục đại học lớn đã thực hiện tự chủ thành công hoặc được giao quyền tự chủ rất cao trong quá trình tổ chức hoạt động để thực hiện sứ mệnh của mình. Đó là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo Giáo dục 2018 từng chọn chủ đề “Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng, năm 2020 một số trường đại học của Việt Nam đã có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới. Đây là sự cố gắng của các cơ sở giáo dục đại học, cũng một phần nhờ sự thúc đẩy của VEC 2018. Khẳng định xếp hạng, hội nhập quốc tế là điều đương nhiên, song PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng cũng cho rằng, “quan điểm của các trường đại học hiện nay là hướng tới lấy người học và nhà giáo làm trung tâm. Nhà giáo được quyền tự do cao nhất trong khuôn khổ pháp luật cho phép, nhưng đặt trong sự trung thực, liêm chính và công bằng. Đây là điều rất quan trọng”.

Năm nay hội thảo tập trung vào thể chế tự chủ và tự chủ tài chính trong giáo dục đại học. Không hẳn là không quan tâm đến tự chủ về học thuật, mà như Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương nói, đối với các trường đại học công lập, tự chủ học thuật không gặp vướng mắc quá nhiều, nhất là từ khi có Luật Giáo dục đại học. “Các nhà khoa học có quyền tự chủ rất cao, gần như 100%, về định hướng và phát triển nghiên cứu, tự do phát biểu quan điểm, trình bày công trình nghiên cứu của mình”.

Tuy nhiên, tự chủ về tài chính và tự chủ về tổ chức, nhân sự khó khăn hơn, vì bị điều chỉnh bởi nhiều luật chuyên ngành khác như trên đã nói. Và hội thảo mong muốn sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó mặc dù biết rằng không thể một sớm một chiều. Vì thế, không đi sâu vào vấn đề quản lý chuyên môn của các cơ sở giáo dục đào tạo hay các vụ việc cụ thể, hội thảo tập trung vào chính sách pháp luật liên quan đến tự chủ đại học và đề xuất những giải pháp khả thi.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Tạ Văn Hạ cho biết, trước khi tổ chức hội thảo, Ủy ban đã có giám sát chung về tự chủ đại học, khảo sát về đầu tư cho giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên, tài chính (học phí), tuyển sinh… “Hội thảo sẽ củng cố thêm lý luận và thực tiễn về tự chủ đại học, chia sẻ các kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này, từ đó có các khuyến nghị về chính sách”.

Nhật Linh