Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả tự chủ giáo dục dại học

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 13:15 - Chia sẻ
Trích phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020

Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, đều được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước. Với Việt Nam ta: Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu nên việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội, được mọi người dân, mọi gia đình cùng quan tâm. Mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục Đại học với chức năng là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo ra tri thức, sản phẩm mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm Quốc phòng - An ninh và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe tốt, có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc và có ý thức phục vụ nhân dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội thảo Giáo dục năm 2020

Ảnh: Quang Khánh 

Trên 30 năm đổi mới, giáo dục Đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục Đại học từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho giáo dục Đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt, có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục Đại học. Tuy nhiên, trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của giáo dục Đại học Việt Nam.

Do đó, chủ đề hội thảo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng lựa chọn là rất ý nghĩa. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai; trên cơ sở đó, đề xuất những ý tưởng, những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hướng thực hiện và kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tự chủ giáo dục Đại học, phát huy sáng tạo của các cơ sở đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước.

Hội thảo cần dân chủ thảo luận, tập trung vào một số nội dung:

Các cơ sở giáo dục Đại học thực hiện quyền tự chủ phải có trách nhiệm giải trình theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm đã tôn trọng quyền đó của các cơ sở Đại học hay chưa? Điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, trách nhiệm của hội đồng trường; hội đồng Đại học đã phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng thế nào? quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế về quản lý nội bộ, các chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước quy định ra sao? Đây là những vấn đề rất lớn trong hội thảo này, tôi đề nghị các đồng chí quý vị cùng quan tâm thảo luận.

Về quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn là vấn đề lớn. Các quy định về thực hiện tiêu chuẩn, chất lượng, việc mở ngành, việc tuyển sinh, việc đào tạo gắn hoạt động khoa học công nghệ, việc hợp tác trong nước và quốc tế sao cho phù hợp với quy định của nhà nước và hệ thống pháp luật chuyên ngành quy định những nội dung quan trọng này.

Ảnh: Quang Khánh

 Về quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, về tiêu chuẩn, danh mục việc làm liên quan đến tuyển dụng, sử dụng hoặc cho thôi việc với giảng viên, các viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học. Đây là một trong những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, có bước đi, cách làm phù hợp, vừa trân trọng và có tính kế thừa đội ngũ cán bộ, chuyên gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới, giữa kế thừa và phát triển. Đề nghị các đồng chí cho ý kiến thêm.

Đặc biệt rất cần hoàn thiện và mẫu mực về quyền tự chủ trong tài chính và tài sản (kể cả các nguồn thu) quản lý sử dụng tài chính, tài sản, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng đối với người học? Với trách nhiệm: Khi chúng ta bàn về tự chủ đại học rất cần quan tâm đến trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học? Nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm và phải nghiêm túc thực hiện kiểm toán đầu tư mua sắm, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục Đại học trước chủ sở hữu, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền, đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi phải vừa chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nội dung trong quản lý nhà nước của mình ra sao? Đề nghị các đồng chí, các thầy quan tâm.

Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, và quyết định các chính sách phát triển giáo dục đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển giáo dục đại học hiệu quả hơn trong thời gian tới. Một lần nữa tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí đã chuẩn bị các nội dung tham gia, với tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển nền giáo dục nước nhà.

_______________

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

PV