Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

- Thứ Tư, 15/12/2021, 06:34 - Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 15 - 19.12, theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu.

Diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhận định “chuyến thăm mang tính bước ngoặt”, thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ và tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc.

Đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo hai nước và Quốc hội hai nước trao đổi sâu rộng về hợp tác song phương, hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới, đặc biệt là hợp tác trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Hiệu quả và tin cậy cao

Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 1.1972 nhưng tình hữu nghị của hai dân tộc đã được bắt nguồn từ những giao lưu văn hóa, tôn giáo hơn 2.000 năm trước và được hai Lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru gây dựng, vun đắp từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Hai nước luôn giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng, phát triển đất nước của nhau. Những năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được đánh giá là hình mẫu cho sự hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc, cùng nhau hợp tác phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước.

Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9.2016 và hiện đang tích cực triển khai Chương trình Hành động triển khai Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2021 - 2023. Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển tốt đẹp, đạt hiệu quả và độ tin cậy cao. Hai nước đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (7.1.1972 - 7.1.2022) vào năm 2022. Ấn Độ công bố Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI), khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cấu trúc và duy trì ổn định ở khu vực; đồng thời, khẳng định coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông” với các lĩnh vực hợp tác chính là chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục.

Hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Đảng ta có quan hệ tốt đẹp với các đảng cộng sản, cánh tả chủ chốt và hai chính đảng lớn nhất của Ấn Độ. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược. Hai bên thường xuyên trao đổi, xử lý các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, an ninh mạng, bảo hộ công dân.

Đặc biệt, Ấn Độ hiện đang là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đứng thứ 24 về đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với mức tăng trưởng bình quân 16% mỗi năm trong giai đoạn 2008 - 2013. Tính đến hết tháng 8.2021, tổng vốn đăng ký Ấn Độ đứng thứ 26/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 304 dự án và gần 910,01 triệu USD vốn đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí, khai khoáng... Việt Nam hiện có 9 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký gần 6,03 triệu USD trong lĩnh vực thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu mỹ phẩm và các sản phẩm tin học. Các hoạt động hợp tác phát triển du lịch, nông nghiệp giữa hai nước cũng được thúc đẩy với nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, đào tạo, Ấn Độ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại và các khoản tín dụng ưu đãi trên cơ sở phát triển lâu dài với việc thành lập Trung tâm Văn hóa Ấn Độ, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi. Hai nước đã nhất trí việc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô New Delhi (tháng 9.2021) và tượng Lãnh tụ Mahatma Gandhi tại TP. Hồ Chí Minh (dự kiến đặt tại công viên Tao Đàn). 

Năm 2021, trước sự bùng phát của làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 tại Ấn Độ, Chính phủ, các tổ chức và người dân Việt Nam đã hỗ trợ Ấn Độ vật tư y tế phòng, chống dịch. Chính phủ Ấn Độ cũng đã tặng Chính phủ Việt Nam 300 máy tạo oxy và 100 tấn oxy y tế hóa lỏng, cung ứng các loại thuốc đặc trị Covid-19 cho Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong việc thử nghiệm các loại vaccine phòng Covid-19.

Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương (ASEM, ARF, ADMM+...), nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Khởi đầu mới trong bối cảnh bình thường mới

Quan hệ giữa Quốc hội hai nước luôn được củng cố và phát triển tích cực, góp phần quan trọng tăng cường quan hệ giữa hai nước. Tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, hai bên cũng luôn chia sẻ và ủng hộ quan điểm thống nhất của lãnh đạo hai nước về tình hình quốc tế. Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla đã có cuộc hội kiến tại Cộng hòa Áo nhân dịp cùng tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ V. Hai Chủ tịch đã có cuộc trao đổi cởi mở về các vấn đề hợp tác song phương và đa phương giữa hai nước và Quốc hội hai nước. Chủ tịch Hạ viện Om Birla khẳng định Ấn Độ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, bảo đảm an toàn hàng hải và đặc biệt là sẵn sàng hợp tác trong các vấn đề liên quan đến phòng, chống Covid -19.

Hai nhà lãnh đạo đều mong muốn và ủng hộ tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ mạnh mẽ hơn nữa. Tiếp tục duy trì các hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa Đảng, Quốc hội, Chính phủ bằng hình thức linh hoạt phù hợp; thúc đẩy hợp tác ngày càng hiệu quả, mang tầm chiến lược các lĩnh vực hợp tác tiềm năng; hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD; tăng cường giao lưu nhân dân, văn hóa và hợp tác du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19 và hỗ trợ, hợp tác về bảo tồn di sản.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất đặc biệt khi được thực hiện theo lời mời chung của Phó Tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ. Đặc biệt, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

“Các nhà lãnh đạo Ấn Độ rất coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho rằng đây sẽ là bước tiến quan trọng, sự khởi đầu mới cho quan hệ hai nước trong bối cảnh “bình thường mới”; mong muốn thảo luận sâu hơn với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về một số nội dung trọng tâm như: Hợp tác Nghị viện, phát triển bền vững và kinh tế số, kết nối trở lại giao lưu nhân dân sau một thời gian bị gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm… Chúng tôi coi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một trong những sự kiện quan trọng hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày quốc khánh của Ấn Độ”, Đại sứ Pranay Verma chia sẻ.

Hợp tác Nghị viện là trụ cột quan trọng của mối quan hệ bền vững Việt Nam - Ấn Độ

Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ và là đối tác chính cho Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi. Mối quan hệ hợp tác bền chặt của chúng ta được thể hiện qua cam kết thực hiện một tầm nhìn chiến lược và dài hạn về mối quan hệ này dựa trên tầm nhìn tương tự và lợi ích chung của chúng ta đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chúng ta cũng chia sẻ tầm nhìn phát triển với tư cách là hai xã hội đầy khát vọng với dân số trẻ khao khát sự tiến bộ và thịnh vượng. Tất cả những điều này cung cấp một nền tảng tuyệt vời cho sự phát triển bền vững trong tương lai của quan hệ song phương giữa hai bên. Hai nước đang đón chào mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam vào tháng 1.2022, chúng tôi tự tin và lạc quan về tương lai của mối quan hệ hữu nghị giữa chúng ta.

Là thể chế đại diện cho ý chí của người dân, trao đổi giữa Quốc hội (Nghị viện) của hai bên là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác bền vững và quan hệ hữu nghị mà hai nước chúng ta cùng có. Trao đổi cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Nghị viện của chúng ta và hợp tác chặt chẽ giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng như thúc đẩy mục tiêu chung của chúng ta đối với nền quản trị lấy người dân làm trung tâm thông qua trao đổi quan điểm về các ưu tiên lập pháp tương ứng và các biện pháp thực hành tốt nhất của chúng tôi.

Đại sứ Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma

 

Phạm Thúy