Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi cách tiếp cận

- Thứ Tư, 14/10/2020, 06:13 - Chia sẻ
Đang có sự đứt đoạn giữa nhà khoa học, nhà quản lý trong xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thiếu sự kết nối giữa thực tiễn và nhu cầu của người dân địa phương. Nêu thực tế này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, tới đây cần tổ chức lại theo hướng khép kín giữa nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, sản xuất, thị trường. Từ đó, mới có thể kết nối chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân.

Nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa

Tại cuộc làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc ghi nhận, một trong những điểm sáng của giai đoạn này là Đại học Quốc gia Hà Nội được Nhà nước quan tâm, giao chủ trì Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Theo Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ, PGS. Trương Vũ Bằng Giang, với 58 nhiệm vụ được triển khai, Chương trình Tây Bắc là chương trình khoa học và công nghệ có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản, nóng bỏng nhất đang đặt ra, chú trọng giải phóng tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

 Ưu việt của chương trình, theo PGS. Trương Vũ Bằng Giang là, đã thu hút sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nhà khoa học trong vùng. Sau 7 năm triển khai (từ năm 2013 đến nay), Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực, kinh tế, xã hội bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc.

Chương trình cũng ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng, đó là nghiên cứu, đánh giá phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị gan, mật của các vùng dân tộc Tây Bắc; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý hạt ngô giống bằng một số nano kim loại để tăng năng suất thu hoạch của cây ngô; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho trâu bò quy mô trang trại tại vùng Tây Bắc…

Chưa thực sự tác động đến đời sống người dân

Đánh giá cao những thành quả đạt được của Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” với rất nhiều giải pháp khoa học công nghệ liên quan đến sản xuất, chế biến, nước sạch, vật liệu xây dựng, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát tại các địa phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đặt vấn đề, hầu như khoa học công nghệ chưa thực sự tác động đến đời sống người dân. Nói đúng hơn, người dân chưa được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, “chúng ta làm rất nhiều, nhưng kết quả còn mờ nhạt, đời sống của người dân vẫn rất nghèo”.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, không riêng gì các chương trình, đề tài khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội, mà các chương trình, đề tài khoa học khác nói chung về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều cho thấy tình trạng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ còn manh mún, trùng lắp, công nghệ hầu như không có gì mới. Dẫn chứng, công nghệ sản xuất tre ép khối làm vật liệu xây dựng và nội thất tại vùng Tây Bắc không phải mới, mà đã có từ nhiều năm trước, ông đặt vấn đề, phải chăng, nên sản xuất nhiều máy móc giúp địa phương phát triển loại vật liệu xây dựng này thay vì nghiên cứu tiếp (?).

Nhấn mạnh nguyên nhân cơ bản khiến khoa học công nghệ chưa thực sự thúc đẩy phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi là do thiếu sự kết nối giữa các nhà khoa học, nhà quản lý trong xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ, thiếu sự kết nối giữa thực tiễn và nhu cầu của người dân địa phương với nghiên cứu khoa học công nghệ, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc cho biết thêm, nhiều khi địa phương đề xuất đề tài, chương trình khoa học công nghệ nhưng chưa sát thực tiễn, chưa dựa trên nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn, cân nhắc kỹ càng.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc cũng đồng tình với kiến nghị tiếp tục triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ cho vùng Tây Bắc trong giai đoạn tới. Theo đó, ngoài nỗ lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà nước cũng cần tổ chức lại hoạt động khoa học công nghệ trên quan điểm thay đổi cách tiếp cận. Phải tiếp cận theo cách khép kín, chứ không không phải đi đứt đoạn. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phân tích, “cần khép kín giữa nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, sản xuất, thị trường. Từ đó, mới có sự kết nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân”.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh, cần có sự tham gia của nhà khoa học, nhà quản lý (bộ, ngành), địa phương để xác định rõ nhiệm vụ khoa học công nghệ thời gian tới. Chúng ta phải có những nghiên cứu ứng dụng được triển khai, xây dựng cho được mô hình sản xuất hàng hóa bởi sản xuất hàng hóa sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Rõ ràng, để chuyển thành quả khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống, vào sản xuất hàng hóa, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa.

Anh Thảo