Thay đổi căn bản tư duy...

- Thứ Năm, 06/05/2021, 07:59 - Chia sẻ
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng mới nhà ở mỗi năm khoảng 100 triệu m2 sàn, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực đô thị dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng đến nay, cả nước mới xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó có 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và 2,3 triệu m2 cho công nhân ở các khu công nghiệp. Con số này so với yêu cầu mới chỉ giải quyết được 41,5%. Nguyên nhân vì sao việc phát triển nhà ở xã hội chậm được cho là bởi những vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, cho dù hiện nay, hệ thống chính sách về thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được xây dựng khá đầy đủ. Bộ Xây dựng cũng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện thế nhưng khi "về" đến địa phương vẫn gặp khó, thể hiện rõ nhất qua diện tích nhà ở xã hội còn rất "khiêm tốn".

Nguyên nhân nữa là do khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là quỹ đất. Hiện nay, những vấn đề này đã được điều chỉnh trong luật nhưng một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức khiến quy định các dự án nhà ở thương mại có diện tích trên 10ha phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội không thể hoặc rất khó thực hiện... Ngoài ra, việc khó phát triển nhà ở xã hội còn bởi nhiều nguyên nhân khác như xét duyệt đối tượng thụ hưởng, phê duyệt giá nhà ở xã hội còn nhiều bất cập.

Để phát triển nhà ở xã hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà từng đề xuất cần phải trở lại nguyên lý thị trường, đặc biệt là giải quyết vấn đề cung - cầu. Thị trường cần có đủ quỹ nhà với mức giá hợp lý, diện tích phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân chứ không thể "như muối bỏ biển" như hiện nay. Đặc biệt, Bộ Xây dựng phải có trong tay các "công cụ" liên quan đến đất đai, nguồn vốn chứ không thể chỉ có duy nhất công cụ quy hoạch mà khi phê duyệt phải có quyết định của cả hội đồng nhưng sau đó vẫn điều chỉnh được, thậm chí ngay cả việc phê duyệt dự án cũng do địa phương thực hiện như hiện nay.

Điều quan trọng nữa là phải xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình tham gia phát triển nhà ở trong đó Nhà nước có trách nhiệm tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ các cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính và khoa học công nghệ, xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, khi đã có nguồn cung nhà ở xã hội, việc xét duyệt đối tượng thuộc diện ưu tiên thuê, mua phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh những "nhầm lẫn" không đáng có như đã từng xảy ra tại không ít địa phương.

Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, đặc biệt là những vấn đề về cơ chế, chính sách. Do vậy, tại Hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý I và triển khai thực hiện công tác quý II của Bộ Xây dựng diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã đề nghị tập trung xây dựng mới Chiến lược nhà ở quốc gia. Phải thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt tháo gỡ những khó khăn về phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng.

Trong bối cảnh một số mục tiêu mà Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đề ra chưa đạt yêu cầu thì việc cần thiết là phải xác định rõ nguyên nhân vì sao để có giải pháp tháo gỡ. Thậm chí, có thể xây dựng mới chiến lược về nhà ở quốc gia cho phù hợp với điều kiện, bối cảnh cụ thể hiện nay.

Ninh Hà