Thay đổi để thích ứng

- Thứ Hai, 01/11/2021, 06:36 - Chia sẻ
Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cùng những cộng hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những gián đoạn, thay đổi mạnh mẽ thế giới việc làm, thị trường lao động và người lao động. Do đó, song song với việc nâng cao chất lượng dự báo; cần tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt gắn kết 3 "nhà" (Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp); bổ sung, cập nhật danh mục ngành, nghề đào tạo mới thích ứng yêu cầu Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đó là chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội TRƯƠNG ANH DŨNG với Báo Đại biểu Nhân dân.

Nhiều ngành nghề sẽ không còn

- Những xu hướng lớn của công nghệ 4.0 trong lao động và việc làm ảnh hưởng thế nào đến người lao động Việt Nam trong 10 - 15 năm tới, thưa ông?

- Trong 5 năm tới, thời gian dành cho công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau, với 84% người sử dụng lao động sẽ nhanh chóng số hóa các quy trình làm việc. Trong 10 - 15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin (CNTT), robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; kỹ năng của khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không còn phù hợp... Điều này làm gia tăng khoảng cách giữa kỹ năng của lao động hiện tại và kỹ năng mà doanh nghiệp cần để thích ứng tình hình mới; dẫn đến thế giới sẽ mất đi khoảng 5 nghìn tỷ USD mỗi năm, tương đương 6% GDP.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thậm chí, với một nước đang phát triển như chúng ta, nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế bị thâm dụng lao động giá rẻ; lao động khu vực phi chính thức cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế ra đời và biến mất của nhiều ngành/nghề và công việc do số hóa, tự động hóa… Thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng, không chỉ đe dọa tới việc làm của lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng mới.

- Xin ông cho biết, nước ta đã có những chính sách gì giúp người lao động thích ứng với sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4?

- Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Từ đó đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chủ đề này. Gần đây nhất là Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; cùng với đó là các quyết định về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường; xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4…

Về phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng, công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Trước mắt, cập nhật những kỹ năng 4.0 trong khoảng 50 - 60 nhóm ngành, nghề được tổ chức thi kỹ năng ở khu vực ASEAN và thế giới. Tiếp nhận chuyển giao 34 chương trình đào tạo chất lượng cao từ nước ngoài, trong đó có các nghề cơ điện tử, điện tử công nghiệp, quản trị mạng máy tính, công nghệ sinh học...

Bên cạnh đó, chuẩn bị triển khai đào tạo các ngành nghề, các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề; đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 300 nghìn lượt lao động bị tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới nhằm thích ứng với yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và tăng cường gắn kết mọi mặt với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo…

Phải dự báo được nhu cầu

- Giải pháp nào để đưa các chính sách trên vào cuộc sống, thưa ông?      

- Theo tôi, quan trọng nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, việc làm và đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề chịu tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cả về ngắn, trung, dài hạn. Đẩy mạnh thu hút và tập trung nguồn lực để nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là các chính sách đối với doanh nghiệp để thúc đẩy họ tham gia giáo dục nghề nghiệp trong đó có lĩnh vực ngành, nghề Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4…

Trong đào tạo nhân lực, cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá. Các chương trình giảng dạy mới sẽ bao gồm các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai - cả kỹ năng kỹ thuật số cũng như kỹ năng “con người” mà máy móc công nghệ không thể thay thế như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện.

- Theo ông, các chính sách và cơ chế hợp tác hiện nay cần bổ sung những gì, để giúp người lao động sẵn sàng tham gia vào Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4?

- Tôi cho rằng, điều quan trọng hiện nay là cần đẩy nhanh việc triển khai, cụ thể hóa quyền và trách nhiệm các của các bên trong Bộ luật Lao động về phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề. Kịp thời, tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt việc gắn kết Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp; nhất là thiết chế "Hội đồng kỹ năng ngành" để huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ hình thức "tập nghề” doanh nghiệp; cơ chế để thúc đẩy nhà giáo học tập trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.

Rà soát, bổ sung cập nhật danh mục ngành, nghề đào tạo trong đó bổ sung ngành, nghề đào tạo mới thích ứng yêu cầu Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; xây dựng, số hóa các công cụ, tài liệu hướng dẫn để thúc đẩy gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trong đó mở rộng đối tượng được hỗ trợ gồm cả người lao động thất nghiệp và người lao động có nguy cơ thất nghiệp cao từ nguồn kinh phí, các quỹ hợp pháp và vốn sự nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Bình Nhi thực hiện