Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon

- Thứ Ba, 12/06/2018, 07:47 - Chia sẻ
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, chất thải nhựa và túi nylon tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trở thành một thách thức rất lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động khẳng định quyết tâm hành động, thay đổi nhận thức để ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon, từ đó góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Đơn cử như trong Ngày hội Sống Xanh 2018, khách tham gia có cơ hội được trải nghiệm các hoạt động sống xanh với hình thức đa dạng; các hoạt động thu gom chất thải có thể tái chế  như vỏ chai thủy tinh, vỏ chai nhựa PET, túi nilon khó phân hủy, vỏ hộp sữa, giấy... Cũng tại sự kiện này, nhiều giải pháp tiêu dùng bền vững, sống xanh, giảm thiểu rác thải đặc biệt là rác thải nhựa được đưa ra. Các tuyên truyền viên cũng tích cực trong việc hướng dẫn tái sử dụng, tái chế chất thải, phân loại chất thải tại nguồn, tái chế chất thải hữu cơ dễ phân hủy làm phân bón cho cây trồng, trồng cây, trồng rau trong nhà; giới thiệu các sản phẩm thay thế nhựa khó phân hủy, công nghệ tái chế nhựa, sản phẩm nông nghiệp bền vững, công trình xanh nhằm giúp khách tham quan tìm hiểu về tiêu dùng bền vững và lối sống thân thiện với môi trường.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc mở rộng phạm vi truyền thông tại địa phương được đặc biệt chú trọng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và tăng trưởng xanh, xây dựng  TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Song, để đạt được những hiệu quả thiết thực, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần thiết phải có thêm chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu thụ những loại bao bì bằng chất liệu dễ phân hủy, tái sử dụng, thân thiện hơn với môi trường; áp dụng giải pháp của các quốc gia tiên tiến trên thế giới; tuyên truyền, vận động, thay đổi thói quen sử dụng túi, bao bì nhựa, nilon… Bên cạnh đó, cần tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên. 

Trương Ngọc