Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

- Thứ Ba, 30/11/2021, 04:55 - Chia sẻ
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đứt gãy nguồn nhân lực và hoạt động chế biến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng gạo vẫn là một trong nhiều mặt hàng xuất khẩu có mức giá tăng lạc quan trong 10 tháng qua. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 528,5 USD/tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là kết quả đáng khích lệ, thế nhưng vấn đề mấu chốt hiện nay là phải chuyển đổi nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của ngành. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tập trung đẩy mạnh vùng sản xuất nguyên liệu lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, có mã số vùng trồng, vùng nuôi để quản lý, truy xuất nguồn gốc và chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị…

Theo dự kiến, vùng nguyên liệu lớn sản xuất lúa sẽ hình thành khoảng 100.000ha, trước mắt triển khai tại tỉnh Kiên Giang khoảng 20.000ha, ở vùng Tứ giác Long Xuyên và tỉnh An Giang 30.000ha, tập trung vào việc nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, tích hợp các giá trị trong chuỗi sản xuất để nâng cao hiệu quả, đáp ứng các điều kiện như phải nằm trong vùng quy hoạch, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, hiện đại hóa sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, tạo được mối liên kết sản xuất và huy động được các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.

Thực tế, vấn đề nâng cao giá trị gia tăng cho lúa gạo đã được đặt ra từ lâu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030 nhằm tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu cụ thể như: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng...

Đề án cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ giữ diện tích lúa ở mức 3,6 - 3,7 triệu hecta, sản lượng từ 40 - 41 triệu tấn/năm. Về xuất khẩu gạo, mục tiêu đến năm 2025, đạt 5 triệu tấn, trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 15% và sản phẩm chế biến từ gạo là 5%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 20%. Đến năm 2030, chỉ tiêu xuất khẩu gạo đạt 4 triệu tấn, trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 45%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 40%. 

Như vậy có thể thấy, điểm đáng chú ý của Đề án là sản lượng xuất khẩu gạo giảm dần theo từng thời kỳ, song các chỉ tiêu về gạo đặc sản, gạo chất lượng cao, sản phẩm chế biến từ gạo, tỷ lệ gạo có thương hiệu đều tăng dần qua từng năm. Điều này thể hiện rõ hướng đi của ngành thời gian tới là giảm diện tích, sản lượng xuất khẩu để tập trung nâng cao chất lượng và giá bán. Đây là mục tiêu đúng và phù hợp tình hình sản xuất và xuất khẩu hiện nay, nhất là trong bối cảnh nước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Để thực hiện được mục tiêu này, điều quan trọng là người nông dân phải thay đổi tư duy canh tác kiểu cũ sang canh tác hữu cơ, theo quy trình nông nghiệp an toàn. Ngoài ra doanh nghiệp phải hợp tác với nông dân thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để từ đó xây dựng vùng nguyên liệu, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, cùng với việc tập trung xây dựng thương hiệu, cần tiếp tục thực thi các cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Lúa gạo là ngành hàng chiến lược, không chỉ đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Do đó, đẩy mạnh tái cơ cấu là hết sức cần thiết nhằm phát huy hơn nữa thành quả đã đạt được, đồng thời khơi dậy những tiềm năng chưa được khai thác.

Ninh Hà