Thấy và ghi tại công trường bauxite

- Thứ Bảy, 15/06/2013, 08:39 - Chia sẻ
Mới đây, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức chuyến đi cho nhiều nhà báo đến vùng đất Tây Nguyên, tham quan thực tế dự án xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ - Đăk Nông và nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng. Chuyến đi đã giúp các phóng viên “mục sở thị” nhiều điều về các dự án bauxite do TKV làm chủ đầu tư, đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

An tâm về công nghệ, môi trường

Trong rất nhiều vấn đề tranh cãi về bauxite Tây Nguyên, nỗi lo ngại về môi trường trước ẩn họa “bùn đỏ” khi sự cố vỡ đập, hay đơn giản chất thải bùn đỏ ngấm xuống nước ngầm là điều ám ảnh nhất. Suốt những ngày được cán bộ dự án bauxite Nhân Cơ đưa đi thực địa các điểm mỏ tuyển quặng, khu vực quy hoạch làm hồ bùn đỏ, quy hoạch đập nước và một buổi chiều nghe Ban Quản lý (BQL) Dự án xây dựng nhà máy Nhân Cơ thuyết trình, giải đáp các thắc mắc, các phóng viên đã vỡ ra nhiều điều về dự án.

Đại tá Bùi Quang Tiến, sỹ quan Bộ Quốc phòng biệt phái làm Giám đốc BQL Dự án xây dựng nhà máy Nhân Cơ vừa chỉ lên bản đồ vừa giải đáp cho các nhà báo về trữ lượng bauxite ở Đăk Nông và về thiết kế, quy hoạch sản xuất của nhà máy Nhân Cơ. Theo ông Tiến, dự kiến tại Đăk Nông sẽ xây 7 nhà máy tuyển quặng bauxite; còn khâu luyện alumin tập trung tại nhà máy Nhân Cơ. Trước mắt khi nhà máy đi vào sản xuất sẽ cho ra sản phẩm alumin, mỗi năm hơn 650 ngàn tấn. Alumin không phải là sản phẩm thô, có giá trị thương mại cao nhưng nếu luyện được nó thành nhôm thì hiệu quả kinh tế mới thật sự cao. Các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt Đăk Nông đang trông chờ vào các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin, điện phân nhôm để biến vùng đất nghèo thành giàu có.

Những câu hỏi của các nhà báo đặt ra về công nghệ khai thác bauxite, việc vận chuyển alumin, độ an toàn của hồ chứa bùn đỏ, công tác đảm bảo môi trường, hoàn thổ sau khai thác quặng bauxite; về lao động người nước ngoài… đều được ông Tiến giải thích thấu đáo, rành rẽ. Cánh nhà báo nghe vậy, kháo nhau, giá cán bộ TKV có kiến thức, tác phong hùng biện như ông Tiến thì dư luận đã thấu hiểu hơn về những dự án này.

Trong khi dự án Nhân Cơ đang gấp rút thi công, với bao ngổn ngang công trường, thì nhà máy alumin Tân Rai đã hoàn chỉnh hình hài, đang đi vào sản xuất. Theo Chủ tịch HĐTV Công ty Nhôm Lâm Đồng Lê Việt Quang: ở Tân Rai, với quy trình khép kín, tận thu nguồn nước, xút phân tách quặng bauxite, nhà máy đang hạn chế tối đa dư lượng hóa chất lắng trong bùn, vừa mở ra hướng tận thu các kim loại khác tồn dư. Với công nghệ lắng thải bùn khô, cán bộ TKV đảm bảo loại bỏ độc hại của bùn đỏ mà dư luận vẫn lo sợ khi sự cố vỡ đập. Bùn đỏ do nhà máy sản xuất alumin Tân Rai thải ra trong quá trình chạy thử đã khô cứng sau khi thải độ một tuần. Ai từng đến đây đều ngạc nhiên, ở đây cái thải ra chứa trong khu thải không phải là bùn mà là chất rắn; cứng đến mức có thể đi lại bình thường trên nó. 

Những lo ngại liên quan đến nguồn nước cho các nhà máy đã được giải quyết. Đơn cử, ở Nhân Cơ nguồn nước để rửa quặng thô là hồ Cầu Tư được thiết kế để nâng độ cao thân đập, tăng dung tích lên 9 triệu mét khối, đủ bổ sung 7 triệu mét khối cho nhà máy tuyển quặng, phần còn lại sẽ được sử dụng cho mục đích dân sinh như tưới tiêu, nước sinh hoạt, đáp ứng thêm cho nhu cầu xã hội.

Mặc dù các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin mới ở giai đoạn đầu, còn rất nhiều việc phải làm để rút kinh nghiệm; nhưng với những gì đang diễn ra ở công trường dự án Nhân Cơ và nhà máy Alumin Tân Rai cho thấy nhà đầu tư đang nỗ lực thực hiện các cam kết trước đây thành hiện thực.

Để bauxite thực sự nguồn lực bền vững

Theo tính toán, dự án khai thác bauxite ở Đăk Nông và Lâm Đồng sẽ tác động trực tiếp đến hơn 400 ngàn dân. Hiện tại, để có mặt bằng cho dự án đã có hơn 500 hộ xã Nhân Cơ, Đăk Rlấp - Đăk Nông phải giải tỏa, di dời; thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm - Lâm Đồng có hơn 900 hộ phải giải tỏa, di dời. Nhiều hộ dân được đền bù với số tiền vài tỷ đồng - một số tiền không nhỏ - nhưng đa số các hộ nhận tiền đền bù đều đã xây dựng nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong gia đình.

Theo kế hoạch, mỗi năm các nhà máy alumin của TKV thu hồi khoảng 150ha đất để khai thác quặng bauxite. Việc tính toán đền bù theo từng năm cũng chưa được rõ ràng, tiềm ẩn những bất ổn về khiếu kiện đền bù giá trị sử dụng đất, tài sản trên đất. Không phải ngẫu nhiên mà dự án Nhân Cơ và Tân Rai đã triển khai nhiều năm nhưng đến thời điểm này vẫn còn gần 40 hộ dân khiếu kiện, chưa chịu di dời. Trưởng ban Tuyên giáo, Huyện ủy Bảo Lâm - Lâm Đồng Trần Văn Cảng cho biết, hiện địa phương chưa có phương án nào để giải quyết các hộ trên.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, TKV cần phối hợp với chính quyền địa phương sớm đưa ra lộ trình cụ thể trong việc khai thác bauxite, hoàn thổ tái định cư, định canh cho người dân trong vùng dự án. Nhà nước cần phải làm rõ ai quản lý nguồn tài nguyên đất sau hoàn thổ. Các nhà máy alumin có tuổi thọ hàng chục năm, tỷ lệ thuận là số diện tích đất khai thác quặng bauxite hằng năm tích tụ càng lớn và số hộ dân buộc phải giao đất cho nhà máy ngày càng đông tạo nhiều sức ép về việc làm, an sinh xã hội nên sau khi hoàn thổ TKV nên giao quỹ đất này cho chính quyền địa phương quản lý để tái bố trí lao động, quỹ đất sản xuất giảm sức ép việc làm cho địa phương nơi có đất bị thu hồi khai thác khoáng sản. Và cũng giống như các dự án khác trong dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, TKV cũng tính đến giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương, và đến nay TKV đã tuyển dụng gần hai ngàn con em tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng vào các nhà máy. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ người dân mất đất cho các dự án, còn về lâu dài vấn đề này chưa thấy đề cập rõ.

Ai đến với Nhân Cơ - Đăk Nông, Tân Rai - Lâm Đồng đều có chung cảm nhận, nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày; phố xá mới đang dần  hình thành theo đà công nghiệp hóa. Theo lãnh đạo chính quyền địa phương, hiện tại thì việc triển khai các dự án bauxite chưa tác động nhiều đến an sinh cộng đồìng dân cư. Tuy nhiên, điều lo nhất là đồng bào chưa biết cách sử dụng số tiền đền bù cho hợp lý. Bài học đắt giá từ các địa phương có đền bù giải phóng mặt bằng thời gian qua cho thấy, hết tiền đền bù là thất nghiệp, không việc làm kéo theo nhiều hệ lụy an sinh xã hội…

Quang Vũ