Thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 15:57 - Chia sẻ
Từ thực tế địa phương, ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đặt vấn đề: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế - xã hội có bước phát triển nhanh, sinh kế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Một số cơ chế, chính sách đã được rà soát, bổ sung. Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được khẩn trương hoàn thành. Mặc dù có những lợi thế riêng biệt, song đến nay sản xuất nông nghiệp của vùng chưa ổn định, thu nhập của nghề nông dân vẫn còn bấp bênh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường.
ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng)
Ảnh: Quang Khánh

Nêu rõ thực trạng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm phê duyệt ban hành quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, tạo sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng, liên kết giữa các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là TP. Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long. Thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu, xác định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương trong vùng, nguồn vốn đầu tư công cho các công trình, dự án có kết nối và liên kết vùng.

Ngoài ra, cần ban hành cơ chế cho phép hỗ trợ phát triển đồng bằng sông Cửu Long, ưu tiên các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường, nghiên cứu và phát triển các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những tiềm năng sẵn có của vùng. Sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoạt động theo Quyết định 825 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Chính phủ cũng cần xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đường vành đai ven biển. Ban hành cơ chế liên kết giữa các vùng biển, ven biển, vùng ven biển nội địa, giữa các địa phương có biển với địa phương không có biển; giữa các ngành, các lĩnh vực, ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển…

Quang Khánh