Thế giới 2022 đứng trước nguy cơ gì?

- Thứ Tư, 12/01/2022, 08:58 - Chia sẻ
2021 chứng kiến một cuộc chiến giằng co giữa nhân loại và dịch bệnh. Bước vào năm 2022, những thách thức về tiêm chủng và biến thể mới đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, cùng với sự tắc nghẽn về nguồn cung, lạm phát và nợ gia tăng, đại dịch tiếp tục gây ra sức ép không ngừng và kéo theo một thế giới bị bao vây. Trong khi đó, những vấn đề địa chính trị mà thế giới đang phải vật lộn từ trước khi có dịch bệnh vẫn chưa biến mất. Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) đã đưa ra dự đoán về 10 nguy cơ mà thế giới sẽ đối mặt trong năm nay với các đánh giá khả năng xảy ra từ thấp đến cao.

1. Thiếu vaccine Covid-19 ở các nước đang phát triển khiến cho các biến thể mới có khả năng lây lan và gây chết người cao hơn

Mặc dù vaccine là từ khóa “nóng” nhất trong năm 2021 với một chiến lược phủ sóng được đẩy mạnh trên toàn cầu nhưng tình trạng mất cân bằng trong phân phối vẫn là nan đề. Nếu hầu hết người dân ở nước phương Tây đã được tiêm một liều vaccine thì mới chỉ 12% dân số châu Phi được chích ngừa. Lỗ hổng này có thể gây nguy hiểm cho cuộc chiến chống Covid-19. Chừng nào dân số toàn cầu còn chưa được tiêm chủng đầy đủ thì khả năng xảy ra các đột biến càng cao với các loại virus có khả năng lây lan nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, hoặc kháng được vaccine.  

Xác suất: Cao

2. Xung đột Nga - Ukraine trở thành điểm nóng

Những động thái bất thường của quân đội Nga ở sườn phía Tây nước này đã khiến một số quan chức châu Âu và Mỹ tỏ ra lo ngại. Động thái này tương tự như những gì đã diễn ra vào tháng 4.2021 khi Nga triển khai đợt tăng quân lớn nhất tới gần biên giới Ukraine trong nhiều năm, khiến giới quan sát không khỏi lo lắng về một cuộc tấn công sắp xảy ra. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự nào của NATO trên lãnh thổ Ukraine đều là “lằn ranh đỏ” đối với Moscow. Trong khi đó, hỗ trợ quân sự và chính trị gia tăng của Mỹ và NATO dành cho Ukraine hoặc một cuộc đối đầu gần như ở biển Đen giữa các lực lượng Nga và NATO có thể biến những gì đang âm ỉ hiện nay trở thành một đám lửa.

Xác suất: Trên trung bình

3. Sau khi đạt đỉnh, nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, gây ra sự gián đoạn toàn cầu

Còn hơn cả nỗi sợ hãi về một Trung Quốc đang trỗi dậy, sự suy thoái của nền kinh tế này còn gây ra nỗi sợ lớn hơn. Các biện pháp mạnh tay của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với lĩnh vực công nghệ và bây giờ là đối với lĩnh vực bất động sản, hiện chiếm khoảng 29% nền kinh tế Trung Quốc, cho thấy sự mong manh của hệ thống kinh tế nước này. Mối lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng, nhân khẩu học giảm, tăng trưởng, năng suất giảm, và nợ (được minh chứng gần đây bởi gã khổng lồ bất động sản Evergrande) đã phản ánh những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc. Một Trung Quốc suy thoái do đó có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, phá vỡ thị trường tài chính và chuỗi cung ứng.

Xác suất: Trung bình

4. Chế độ Taliban ở Afghanistan sụp đổ

Afghanistan đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, và khả năng sụp đổ nhà nước có thể xảy ra vào năm 2022. Nền kinh tế Afghanistan (ngoại trừ những lợi nhuận từ bán ma túy) đang đi vào bế tắc. Sau khi rút quân, Mỹ đã cắt đứt khoảng 8,5 tỷ USD viện trợ mỗi năm, tương đương 40% GDP của Afghanistan trong khi IMF đóng băng khoảng 9 tỷ USD tài sản nước ngoài của nước này. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, 23 triệu người Afghanistan phải đối mặt với nạn đói được dự báo là vô cùng nghiêm trọng. Trong khi đó, WB và các cơ quan phát triển khác không thể trực tiếp hỗ trợ người dân Afghanistan do hệ thống thanh toán hỗn loạn của đất nước và các lệnh cấm của quốc tế trong việc viện trợ chế độ Taliban.  

Xác suất: Rất cao

5. Các nước đang phát triển đối mặt với rắc rối kinh tế và bất ổn chính trị nghiêm trọng hơn

Tổn thất lớn thứ hai mà Covid-19 gây ra - sau số người chết lên đến hơn 5 triệu người - là những thiệt hại đối với tầng lớp trung lưu toàn cầu. Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính rằng suy thoái kinh tế do đại dịch khiến 131 triệu người trung lưu rơi vào cảnh nghèo đói. Ấn Độ, vốn đã giảm 32% tầng lớp trung lưu và thượng lưu cộng lại, có thể kết thúc năm 2021 với GDP thấp hơn 5,2% so với khi không có đại dịch. Lạm phát gia tăng ở Mỹ và châu Âu có nguy cơ gây bất ổn thêm cho các nền kinh tế ở thế giới đang phát triển vào thời điểm họ cần khôi phục lại tốc độ tăng trưởng đã mất. Nếu Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất để đối phó với nguy cơ lạm phát, các mô hình trước đây cho thấy vốn sẽ nhanh chóng rời khỏi các nước nghèo hơn. Cộng đồng quốc tế sẽ cần bơm tiền vào các nước nghèo hơn để ổn định hệ thống tiền tệ của họ và giúp họ vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Nếu không có sự trợ giúp như vậy, bất ổn kinh tế cùng với chính trị sẽ dẫn đến sự sụp đổ của một số chính phủ.

Xác suất: Cao

6. Giá dầu đạt 100 USD/thùng

Việc dự đoán các chu kỳ lên - xuống trên thị trường dầu luôn là điều không đơn giản bởi luôn có những dự đoán trái chiều. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán sự giá dầu Brent sẽ sụt giảm từ mức giá 84 USD/thùng trong năm 2021 xuống còn 66 USD/thùng vào thời điểm này trong năm tới, trong khi nhiều nhà phân tích khu vực tư nhân và các quỹ đầu cơ đang đặt cược vào một đợt tăng giá kéo dài. Nguyên nhân của việc tăng giá hiện tại là do nhu cầu tăng vọt vào năm 2021 sau đợt giảm do đại dịch và do quyết định mới đây của OPEC từ chối tăng sản lượng.

Xác suất: Cao

7. Thế giới thất bại trong việc đạt được mục tiêu khí hậu

Lượng khí thải carbon toàn cầu đã tăng 60% kể từ khi Nghị định thư Kyoto được ký kết vào năm 1997 và Thỏa thuận biến đổi khí hậu đạt được tại Hội nghị Khí hậu LHQ (COP26) ở Glasgow không giúp xoa dịu lo ngại về rủi ro của khí hậu ngày càng khẩn cấp. Ngay cả khi tất cả các cam kết từ Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 được đáp ứng, nhiệt độ toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tăng 2,7 độ C vào năm 2100. Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã ban hành một lộ trình chi tiết để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điều này yêu cầu kết thúc các dự án dầu khí mới trong năm nay, tăng gấp 3 lần đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió, lên 4.000 tỷ USD và tăng gấp 4 lần đầu tư vào lưới điện thông minh vào cuối thập kỷ này. Những tiến bộ như vậy là có thể xảy ra về mặt kỹ thuật, nhưng về mặt chính trị không có khả năng xảy ra nếu nhìn vào những gì đạt được tại COP26.

Xác suất: Cao

8. Thế giới lưỡng cực nhưng khác thời Chiến tranh Lạnh

Washington đã có vẻ thích ý tưởng thế giới trở lại thời Chiến tranh Lạnh nhưng lần này đối thủ là Trung Quốc và cái kết vẫn là Mỹ và phương Tây giành chiến thắng. Tuy nhiên, đó chỉ là bánh vẽ của Mỹ bởi có sự khác biệt rất lớn giữa Liên Xô trước kia và Trung Quốc hiện nay - một nền kinh tế hàng đầu với công nghệ cao, cường quốc thương mại và xuất khẩu vốn số một thế giới. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế Mỹ và phương Tây lớn đến mức bất kỳ bên nào thua sẽ khiến bên còn lại bị thương không nhẹ. 

Xác suất: Trung bình

9. Mất an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn

Như NIC đã cảnh báo năm ngoái, bản hòa tấu của đại dịch, thời tiết khắc nghiệt và xung đột gia tăng đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết thêm 15 triệu người hiện đang có nguy cơ chết đói so với trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2019. Vào tháng 11, WFP đã cảnh báo rằng 45 triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói trên khắp 43 quốc gia, với chi phí thực phẩm và vận chuyển cao hơn làm căng thẳng ngân sách của các gia đình và các tổ chức viện trợ. Một trong những tác nhân chính của sự gia tăng năm nay là thảm họa nhân đạo ở Afghanistan, nơi hiện đang xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất thế giới.  

Xác suất: Cao

10. Nỗ lực của phương Tây nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại

Chính phủ Iran đã đưa ra các yêu cầu ngày càng cao đối với Mỹ như một sự bảo đảm trước khi Tehran đồng ý với một thỏa thuận mới. Các cuộc tấn công mạng của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran - và phản ứng của Iran đối với các hoạt động đó - đang không có dấu hiệu dịu lại. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Tổng thống Joe Biden áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran. Không thể loại trừ nguy cơ Israel hay Mỹ sử dụng hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Iran có khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các cơ sở dầu khí ở vùng Vịnh và các căn cứ quân sự của Mỹ. Bối cảnh này có thể sẽ cắt đứt mọi cơ hội đưa Iran quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân.

Xác suất: Trên trung bình

Đạt Quốc