SỔ TAY:

Thêm cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng

- Chủ Nhật, 08/11/2020, 08:00 - Chia sẻ
Bộ Công an vừa đưa ra Dự thảo thông tư về “Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí”. Việc ra đời thông tư này được kỳ vọng sẽ tăng thêm cơ chế bảo đảm quyền lợi rõ hơn đối với người tố cáo.

Trong năm 2020, tham nhũng đã được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi trên 44.580 tỷ đồng và trên 1.401ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng... Kết quả trên là nhờ trong thời gian qua, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu.

Dẫu vậy, báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng nêu những tồn tại trên thực tế như: hầu hết các vụ việc tham nhũng, lãng phí được phát hiện là qua thanh tra, kiểm tra trong khi những vụ việc, hành vi được xử lý thông qua đơn, từ tố các của cán bộ, nhân dân còn ít. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm...

Thực tế, việc bảo vệ người tố cáo đã được quy định trong Luật Tố cáo, Luật phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25.2.2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong công an nhân dân. Mới đây nhất là ngày 5.9.2020, Thông tư số 03/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực. Thông tư này được cho là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ người tố cáo.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia luật, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ vấn chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể, khi thực hiện vẫn còn chồng chéo, chưa cụ thể hóa quyền lợi của người tố cáo. Điều này dẫn đến tình trạng công tác giải quyết tố cáo trong một số trường hợp còn để kéo dài, có biểu hiện bao che người bị tố cáo. Trong khi đó, việc kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được coi trọng, trong khi những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Khắc phục những lỗ hổng này, Dự thảo Thông tư quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí đang được Bộ Công an lấy ý kiến có quy định: người được bảo vệ gồm: Người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Người được bảo vệ đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư... Ngoài ra, với quy định tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người được bảo vệ và có giá trị thực tế từ 2 triệu đồng trở lên... được cho là đã cụ thể hóa tối đa, tăng thêm cơ chế bảo đảm quyền lợi rõ hơn đối với người tố cáo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi quy định mới được thông qua chính là điều kiện căn bản nhằm bảo đảm cho người dân tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới.

Hải Thanh