Thêm điểm tựa cho lao động mất việc làm

- Thứ Ba, 14/09/2021, 06:14 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc phục hồi kinh tế và thị trường lao động sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh. Chính trong bối cảnh này, các bộ, ngành, địa phương cần làm thật tốt công tác dự báo, từ đó, xây dựng các phương án hỗ trợ căn cơ hơn cho người lao động mất việc.

Lao đao vì dịch bệnh

Làm việc trong một doanh nghiệp kinh doanh sơn đã ngừng hoạt động bởi dịch Covid-19 từ tháng 4.2021, chị Nguyễn Diệu Mai, sinh năm 1981 (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị mất việc. Chị Mai chia sẻ, khoản trợ cấp thất nghiệp chỉ giúp gia đình chị chi tiêu trong vòng 1 tháng. Chồng chị may mắn hơn khi công tác ở một công ty dược phẩm, tuy không mất việc nhưng cũng chỉ nhận được 70% lương. Số tiền vốn trước đây dùng để sinh hoạt cho một gia đình 5 người, nay bị rút xuống chỉ còn 1/3. 

Với anh Dương Văn Thái, 35 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vậy. Làm nghề lái xe công nghệ nhưng anh Thái đã dừng hoạt động từ 3 tháng nay. Anh chia sẻ, việc giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình, từ việc ăn học của con cái, thuốc men cho bố mẹ già cho tới trả lãi ngân hàng. Mọi sinh hoạt đều gói gọn trong đồng lương ít ỏi của vợ anh. 

Mất việc làm, cuộc sống khó khăn là tình trạng của không ít người lao động hiện nay. Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2021 đến nay, gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Trong khi đó, theo kết quả của khảo sát nhanh của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Văn phòng Chính phủ), chỉ 4,4% lao động mất việc cho biết, họ dư tiền tích lũy trên 6 tháng. Không tìm được việc làm lâu dài, người lao động chuyển sang làm các công việc thời vụ trong mùa dịch để duy trì cuộc sống như bán hàng online (với 21% người mất việc lựa chọn); nghề chạy xe công nghệ (10% người mất việc lựa chọn). Tỷ lệ số lao động mất việc chờ công ty gọi trở lại làm việc sau dịch chưa tới 1%.

Các chuyên gia lao động - việc làm cho rằng, với những diễn biến như hiện nay, tình hình dịch Covid-19 chưa thể dự báo thời điểm kết thúc, vì vậy, thị trường lao động từ nay đến cuối năm diễn ra theo kịch bản nào rất khó nhận định.

Tiếp tục hiện thực hóa chính sách

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với chủ trương, quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70.000 - 80.000 người), lao động mất việc làm hàng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động, dự kiến sẽ có khoảng hơn 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, khả năng phục hồi thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của tình hình chống dịch. Do vậy, cần có một cuộc khảo sát trên diện rộng về tình hình mất việc cũng như nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động để hoàn thiện chính sách hỗ trợ phù hợp hơn.

"Ngoài tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, điều cốt lõi là phải dự báo kịp thời về tình hình lao động - việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đó làm cơ sở để xây dựng các phương án kết nối cung - cầu, phù hợp trong bối cảnh tình hình mới" - ông Lê Đình Quảng góp ý.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

_______

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương