Quảng Ninh

Thêm động lực để du lịch phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

- Thứ Tư, 22/12/2021, 06:26 - Chia sẻ
Lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp về việc làm, thu nhập. Trước thực trạng này, tại Kỳ họp thứ 6 mới đây, HĐND tỉnh Khóa XIV đã tiếp tục ban hành các chính sách kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tạo sự lan tỏa trong phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Doanh nghiệp, người lao động gặp nhiều khó khăn

Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện (năm 2019), du lịch Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động (26.000 lao động trực tiếp, 37.000 lao động gián tiếp). Trong đó, lao động trực tiếp khối lưu trú du lịch khoảng 14.000 người, chiếm 54%; khối lữ hành 1.500 người, chiếm 6%; lao động các khu, điểm du lịch khoảng 6.000 người, chiếm 23%; nhà hàng, điểm mua sắm, bãi tắm du lịch, điểm vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch có khoảng 3.000 lao động, chiếm 12%; tàu thủy du lịch (tàu tiếng) khoảng 1.500 lao động, chiếm 5%.

Thời gian giảm 50% phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Yên Tử áp dụng từ 1.1 - 30.6.2022
Thời gian giảm 50% phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Yên Tử áp dụng từ 1.1 - 30.6.2022

Theo kết quả khảo sát đến tháng 5.2021, lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh có khoảng 8.000 lao động bị cắt giảm, thôi việc; lao động tạm nghỉ việc không có tiền lương dự kiến sẽ quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp có thông báo khoảng 12.000 người; lao động làm thường xuyên chiếm khoảng 3.000 người; lao động nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên khoảng 3.000 người.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu đến từ du lịch cũng bị kéo giảm trầm trọng. Nếu như năm 2019, Quảng Ninh đón được hơn 14 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt 29.486 tỷ đồng thì từ năm 2020 trở lại đây, lượng khách du lịch đến địa bàn giảm mạnh. Cụ thể: Năm 2020, du khách đến tỉnh đạt 8,73 triệu lượt, bằng 63% so với 2019, tổng thu từ du lịch đạt 17.000 tỷ đồng, bằng 58% so với năm 2019. Ước năm 2021, tổng khách du lịch khoảng 4 triệu lượt, bằng 45% cùng kỳ năm 2020, tổng thu du lịch ước đạt 7.000 tỷ đồng, bằng 40% so với cùng kỳ. Dịch bệnh cũng khiến nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn và đối diện với nguy cơ phá sản cao…

Tỉnh Quảng Ninh dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2022, số khách tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long sẽ đạt 1,2 - 1,5 triệu lượt; khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh khoảng 100.000 lượt; khách tham quan Khu Di tích và danh thắng Yên Tử khoảng 200 - 250.000 lượt.

Tái khởi động các hoạt động du lịch, thu hút du khách

Nhằm kích cầu du lịch nội địa, giải quyết việc làm cho người lao động ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, liên tiếp trong hai năm 2020 - 2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các nghị quyết kích cầu du lịch trên địa bàn thông qua việc hỗ trợ, miễn, giảm phí tham quan du lịch tại vịnh Hạ Long; Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Yên Tử với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tỉnh dự báo tình hình dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung, du lịch, dịch vụ nói riêng. Lượng khách du lịch đến tỉnh khó có thể phục hồi được như thời điểm trước năm 2020. Vì vậy, tỉnh tiếp tục có các chính sách thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh để thích ứng an toàn nhằm mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự xã hội.

Nhận diện tình hình này, tại Kỳ họp thứ 6 mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV đã thống nhất thông qua Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch năm 2022. Cụ thể, tỉnh sẽ giảm 50% phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long (bao gồm phí tham quan ban ngày, tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh); giảm 50% phí tham quan Bảo tàng tỉnh; giảm 50% phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử. Trong cùng một thời gian, đối tượng, cùng một nội dung chính sách, chế độ được quy định ở nhiều văn bản khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền thì đối tượng chỉ được hưởng một mức hỗ trợ quy định cao nhất. Thời gian thực hiện từ ngày 1.1.2022 - 30.6.2022.

Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tiếp tục là “vốn mồi” để tái khởi động các hoạt động du lịch, thu hút du khách đến các điểm du lịch khác trên địa bàn. Qua đó, tác động tích cực và kịp thời đối với hoạt động du lịch dịch vụ, tạo sự lan tỏa trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

TUẤN NGUYÊN