Thêm “màu xanh” cho các đạo luật

- Thứ Năm, 15/04/2021, 08:10 - Chia sẻ
Từ giám sát tổng hợp theo khu vực, giám sát chuyên đề cụ thể, đến giám sát các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức 31 đoàn giám sát các lĩnh vực được phân công phụ trách. Với việc đa dạng hóa hình thức giám sát như vậy, Ủy ban đã có nguồn thông tin quan trọng và phong phú, sinh động, thêm “màu xanh” trong quá trình hoàn thiện pháp luật, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị sát thực, kịp thời về cơ chế, chính sách.

Đa dạng hóa hình thức giám sát

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình từng chia sẻ, đi giám sát, đến với bà con cử tri luôn thú vị và bổ ích, bởi đó là đến với cuộc sống, mà cuộc sống thì rất đa dạng và luôn sinh động. Giám sát không chỉ là theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát xem có tuân thủ Hiến pháp và pháp luật không, mà còn “cho chúng tôi kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống để thẩm tra, hoàn thiện pháp luật, và để kiểm tra xem luật đã được thông qua có đi vào cuộc sống hay không”.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, căn cứ tình hình lĩnh vực và dự kiến chương trình hoạt động toàn khóa, Thường trực Ủy ban đã chỉ đạo xây dựng dự kiến nội dung, chủ đề giám sát của từng lĩnh vực phụ trách cho cả nhiệm kỳ và cụ thể từng năm cũng như có sự điều chỉnh hằng năm cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Nội dung, chủ đề giám sát được lựa chọn tập trung vào những vấn đề nổi cộm thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; đồng thời có tính kết nối và nằm trong tổng thể định hướng chung về hoạt động lập pháp, giám sát của Ủy ban nói riêng, của Quốc hội nói chung, cũng như định hướng phát triển của lĩnh vực, ngành.

Hình thức giám sát được đa dạng hóa, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giám sát thường xuyên với giám sát chuyên đề. Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban đã tổ chức 9 đoàn giám sát tổng hợp theo địa bàn, khu vực, đặc trưng vùng miền. Đó là: Đô thị (TP. Hồ Chí Minh); khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (Lào Cai, Đắk Lắk); khu vực duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Bình); khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Kiên Giang); khu vực đồng bằng sông Hồng (Thái Bình, Hải Phòng). Việc giám sát theo địa bàn nhằm có được bức tranh tổng thể về tình hình văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của khu vực, thấy được những vấn đề chung nổi lên ở mỗi địa bàn, từ đó có đề xuất, kiến nghị chính sách phù hợp. Chẳng hạn khu vực miền núi, văn hóa rất phong phú, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nếu chúng ta không sớm có chính sách bảo tồn thì văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ bị mai một. Hay đồng bằng sông Cửu Long, tuy là một vựa lúa nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra về giáo dục và sự phát triển nói chung…

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban cũng đã tổ chức 22 đoàn giám sát, khảo sát chuyên đề về các lĩnh vực được phân công phụ trách, trong đó 6 chuyên đề phục vụ xây dựng luật; 13 chuyên đề về thực thi pháp luật và 2 chuyên đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận; phối hợp giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em".

Có 3 chuyên đề mà những kiến nghị sau giám sát/khảo sát vẫn đang được theo dõi sát sao, gồm: Khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế” (2018), kiến nghị xây dựng phương án tài chính, hỗ trợ ngân sách thực hiện dự án Di dời, giải tỏa dân cư tại khu vực bảo vệ I di tích Kinh Thành Huế; khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 - 2017” (2018), kiến nghị triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về giá, phí, thuế, vấn đề bản quyền, xử lý vi phạm hành chính… trong in, phát hành xuất bản phẩm nói chung, sách giáo khoa nói riêng; giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (2020), kiến nghị bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đúng lộ trình, hiệu quả, chất lượng.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại Cao Bằng

Ảnh: Ng. Anh 

Huy động sự tham gia của đông đảo tầng lớp xã hội

Một hoạt động đã trở thành “thương hiệu” của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhiệm kỳ 2016 - 2021 là Hội thảo Giáo dục Việt Nam (VEC). Được tổ chức hằng năm từ năm 2017, VEC nhằm tập hợp những người làm chính sách (đại biểu Quốc hội), nhà quản lý (lãnh đạo các bộ, ngành), chuyên gia giáo dục, những người làm trực tiếp giáo dục và cả người sử dụng lao động, từ những vị trí, công việc khác nhau, cùng chia sẻ ý tưởng, đặt trong mục tiêu chung vì sự phát triển của giáo dục và đất nước.

Đến nay đã có 4 hội thảo được tổ chức thành công, thu hút sự quan tâm của những người trong ngành và cả dư luận xã hội. Hội thảo Giáo dục Việt Nam lần đầu tiên - VEC 2017 có chủ đề “Về chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam”. VEC 2018 bàn về “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” là chủ đề của VEC 2019. Năm 2020, hội thảo trở lại với giáo dục đại học, tập trung vào chủ đề "Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn", trong bối cảnh triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Từ các hội thảo này, nhiều ý tưởng đã được đề xuất để có một nền giáo dục phổ thông chất lượng trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Các đại biểu Quốc hội thì có thêm một kênh để hiểu rõ thực trạng giáo dục - đào tạo Việt Nam, làm phong phú hơn nhận thức của mình, hoàn thiện ý tưởng, từ đó góp phần xây dựng chính sách để phát triển giáo dục - đào tạo, đặc biệt là hoàn thiện các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục.

Nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết và lắng nghe ý kiến các thành phần trong xã hội, nâng cao ý thức và trách nhiệm của xã hội đóng góp cho sự phát triển các lĩnh vực phụ trách, Ủy ban cũng tổ chức một số hội nghị quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, như: Tọa đàm tham vấn chuyên gia về việc quy hoạch xây dựng nhà ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, sau tọa đàm, Ủy ban đã có kiến nghị gửi UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng; hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” năm 2018 và “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam” năm 2019.

Báo cáo kết quả sau giám sát với những kiến nghị, đề xuất cụ thể với từng cơ quan, đơn vị được coi là nguồn thông tin quan trọng làm cơ sở cho việc thẩm tra các dự án luật của Ủy ban, kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật và cơ chế chính sách, thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. “Giám sát là một mảng rất sinh động và hữu ích. Nó vừa là chức năng, nhưng cũng bổ sung ‘màu xanh’ - kinh nghiệm thực tế - cho các bộ luật của chúng ta”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nói.

Nguyên Anh