Thêm niềm tin, tăng hài lòng

- Thứ Bảy, 04/12/2021, 06:55 - Chia sẻ
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 trên 90% tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế được đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đề ra, bên cạnh việc cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hằng năm ngành y tế còn tiến hành khảo sát sự hài lòng của người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Nhìn lại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của ngành y tế cho thấy, phần lớn các tuyến bệnh viện có tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng dần theo các năm. Riêng tuyến trung ương, tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú tăng từ 74,83% (năm 2016) lên 90,78% (năm 2019). Đặc biệt, trong thời gian qua khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát, hình ảnh những cán bộ chiến sĩ áo trắng đã không quản ngại khó khăn, luôn nỗ lực, căng mình chống dịch đã khiến tỷ lệ hài lòng của người dân ngày càng cao. Dù chưa phải là đại diện cho toàn bộ cơ sở y tế trong cả nước, nhưng con số này phần nào phản ánh chất lượng khám, chữa bệnh đang được cải thiện, người dân đã an tâm khi đến cơ sở y tế thăm khám sức khỏe.

Đáng mừng là thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế được đánh giá hài lòng nhất. Điều này càng khẳng định người bệnh đã đặt niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là năng lực chuyên môn của họ - một yếu tố rất quan trọng trong quá trình khám, chữa bệnh.

Sự thay đổi là rất đáng kể, song vẫn còn không ít những phản ánh của người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự chưa hài lòng với các dịch vụ tại các cơ sở y tế. Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, qua phần mềm tổng hợp và phân tích dữ liệu khảo sát tại các bệnh viện công mới đây cho thấy, trong năm 2020 có 18.395 lượt ý kiến phản ánh không hài lòng, giảm 50.35% so với cùng kỳ năm 2019 với những nội dung không hài lòng như: nhà vệ sinh phục vụ người bệnh của bệnh viện, chỗ ngồi chờ khám, chờ xét nghiệm, cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ, an ninh, trật tự của bệnh viện, thời gian chờ khám, làm xét nghiệm, siêu âm, chụp phim...

Để thêm niềm tin, tăng sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế theo mục tiêu Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 25.10.2017 đề ra đến năm 2030, hơn 90% người dân hài lòng với dịch vụ y tế, thiết nghĩ các cơ sở y tế cần quan tâm hơn nữa đến những vấn đề có tác động trực tiếp đến người bệnh như  hoàn thiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ trực tiếp bệnh nhân (giường bệnh, nhà vệ sinh...); chống quá tải, hạn chế thấp nhất tình trạng người bệnh phải nằm ghép...

Nhìn rộng hơn, các cơ sở y tế cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (gồm 83 tiêu chí). Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực y tế; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ngành y tế cần tập trung xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, trách nhiệm, không có tiêu cực, thực hiện phương châm: "Ðến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo". Ngoài ra, việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh cần được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức phù hợp, từ đó rút kinh nghiệm kịp thời để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Bảo Hân