Thêm vũ khí chống "giặc" Covid-19

- Thứ Tư, 11/08/2021, 06:34 - Chia sẻ
Với mục tiêu đẩy lùi dịch Covid-19, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hàng loạt quyết sách nhanh, đúng hướng, liên tục và chưa từng có tiền lệ đã được ban hành. Điều đó cho thấy, sự quyết liệt, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến này.

Đó là sự linh hoạt, kịp thời của Quốc hội Khóa XV khi tại Kỳ họp thứ Nhất, đã bổ sung vào chương trình làm việc nội dung liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19. Đặc biệt, Quốc hội đã quyết nghị nhiều nội dung đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất. Không chỉ lắng nghe hơi thở cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, chia sẻ, sát cánh, đồng hành với cả hệ thống chính trị; quyết đáp đặc biệt của Quốc hội tại kỳ họp đã thêm dư địa để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ cách đây vài ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nhất trí về một số nội dung như quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đồng thời là giấy phép hoạt động; giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch; giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19; đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị quyết được ban hành ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập cuộc họp bất thường cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến nhanh và phức tạp, đây là những động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, góp phần tháo gỡ những nút thắt lớn, giúp Chính phủ có thêm “vũ khí" trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bên cạnh những chính sách hiện có. 

Trên thực tế, không ít chính sách quyết liệt, linh hoạt, mang đậm tính nhân văn trong phòng, chống dịch Covid-19 được Chính phủ ban hành đã nhận được đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Đó là Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng, ra đời vào đúng thời điểm làn sóng thứ tư dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng.

Mặt khác, cùng với việc giữ vững nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả, Chính phủ cũng có hàng loạt quyết sách kịp thời, khẩn trương, thay đổi linh hoạt, phù hợp hơn với tình hình mới. Đơn cử như trong cách thức xét nghiệm, thay vì chỉ dùng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR, đến nay đã áp dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc những người nghi nhiễm. Hay căn cứ thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và trao đổi với các địa phương, Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày với mọi hình thức (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1…

Có thể khẳng định, đây là các quyết sách kịp thời và đầy trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Song, việc triển khai thực hiện có nhất quán hay không cũng là băn khoăn đang được đặt ra, bởi thực tiễn cho thấy, khung chính sách rất đúng nhưng đôi khi địa phương lại thực hiện máy móc, địa phương này làm một đằng, địa phương kia làm một nẻo. Rõ ràng, điều quan trọng hơn cả trong khâu tổ chức thực hiện là cần sự đồng lòng, thống nhất, cộng đồng trách nhiệm. Có như vậy, những quyết sách đúng đắn, phù hợp kể trên, mới thực sự trở thành vũ khí giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch. 

Đỗ Quyên