Ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác:

Then chốt là sự phối hợp giữa nhà mạng và người dân

- Thứ Năm, 08/10/2020, 13:04 - Chia sẻ
Ngay khi Nghị định 91 của Chính phủ về chống thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác có hiệu lực, các mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đều khẳng định, Nghị định sẽ giải quyết được vấn nạn vốn gây nhiều bức xúc cho người dân lâu nay.

Đại diện Viettel Telecom cho biết, Nghị định chống thư rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác sẽ góp phần nâng cao ý thức của người sử dụng điện thoại di động, doanh nghiệp đang sử dụng công cụ này để quảng bá các sản phẩm dịch vụ... Các nhà mạng cũng sẽ đưa ra dịch vụ định danh rõ ràng cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tiếp cận khách hàng. Với việc định danh rõ ràng, người sử dụng dịch vụ di động có thể chọn nhận hoặc từ chối. Nếu khách hàng không có nhu cầu nhận cuộc gọi quảng cáo sẽ được nhà mạng đưa ra công cụ từ chối dịch vụ này. Cùng với việc siết chặt quản lý và xử lý SIM rác, Nghị định 91 sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ khách hàng; có tác dụng siết chặt và giảm việc sử dụng SIM rác làm công cụ để quảng cáo cho sản phẩm của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp - đại diện Viettel Telecom nhấn mạnh.

Còn đại diện VNPT VinaPhone thì cho rằng, Nghị định 91 là cơ sở quan trọng để các nhà mạng có được cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ khách hàng. Tuy nhiên, các nhà mạng sẽ phải đầu tư thêm hệ thống và nghiên cứu giải pháp để có thể thực thi Nghị định hiệu quả nhất...

Trên thực tế, theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, 3 tháng gần đây, các nhà mạng đã khóa chiều đi 34.700 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, đồng thời ngăn chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo. Những con số này cho thấy "mức độ phát triển" của các cuộc gọi, tin nhắn rác phát triển như thế nào, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ với các các cơ quan chức năng.

Theo đại diện Cục Viễn thông hiện việc ngăn chặn cuộc gọi rác được các doanh nghiệp viễn thông thực hiện tập trung theo quy trình khép kín là xác định các thuê bao nghi phát tán cuộc gọi rác; xác thực lại xem đó có phải là cuộc gọi rác hay không; ngăn chặn; chăm sóc khách hàng, xử lý khiếu nại. Quy trình này đã được các nhà mạng thực hiện tương đối tốt, thu được kết quả khả quan, dù vậy, vẫn còn nhiều cuộc gọi rác. Nguyên nhân là sự phối hợp của người dân chưa tốt. Trong quy trình xác thực cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ nhắn tin hoặc gọi điện đến người dân để đề nghị xác thực có phải là cuộc gọi rác hay không. Nhưng tỷ lệ người dân phối hợp để xác thực còn thấp, chỉ 5 - 7%, tức là khi nhà mạng gửi khoảng 100 tin nhắn yêu cầu xác thực, chỉ có 5 - 7 người trả lời.

Bởi vậy, thời gian tới Cục Viễn thông và các doanh nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền để tỷ lệ người dân phối hợp trong khâu xác thực cuộc gọi rác đạt cao hơn. Về mặt kỹ thuật, sẽ điều hành các nhà mạng chia sẻ, triển khai ngăn chặn cuộc gọi rác liên mạng...

Như vậy có thể thấy, để ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác hiệu quả hơn nữa, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các nhà mạng, rất cần sự phối hợp của người dân. Bởi nếu không sẽ rất khó xác thực đâu là cuộc gọi rác, đâu là tin nhắn rác.

Khương Ninh