Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thi đua, khen thưởng cần hướng mạnh về cơ sở

- Thứ Ba, 17/08/2021, 15:49 - Chia sẻ
Sáng nay, 17.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày cho biết, việc sửa đổi Luật này là cần thiết bởi hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Văn phòng Trung ương có văn bản số 3257-CV/VPTW thông báo kết luận của Ban Bí thư đồng ý về chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) 
Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, Luật hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thủ tục, hồ sơ khen thưởng; thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo Luật kết cấu gồm 8 chương và 100 điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung thể chế hóa các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng và 4 phương án chính sách đã được Chính phủ thông qua. Cụ thể, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung về danh hiệu thi đua; khen thưởng; quy định về thẩm quyền và phân cấp, phân quyền cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Nguồn: quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành. Đồng thời, bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cũng lưu ý việc sửa đổi phải tiếp tục bảo đảm quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, khen thưởng bảo đảm chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; tập trung hướng về cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số...

Hướng về cơ sở không chỉ là công nhân, nông dân

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức các phong trào thi đua. Cùng với đó nhằm phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nội dung về thi đua, khen thưởng lần này đã hướng về cơ sở nhiều hơn với các quy định là công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp cũng có thể tham gia các phong trào thi đua, được công nhận danh hiệu thi đua, tặng thưởng bằng khen, thậm chí đến các huân chương cấp cao... Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hướng về cơ sở ở đây không chỉ là công nhân, nông dân mà phải có người lao động khác, như lái xe, nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, nhân viên lễ tân, khách sạn...  

Về bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (Điều 56), hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để thể chế hóa Kết luận của Ban Bí thư và thể hiện sự ghi nhận, tri ân đối với lực lượng Thanh niên xung phong. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật vì đã có những hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến (Bằng khen, Huy chương kháng chiến, Huân chương kháng chiến…), trong đó bao gồm cả lực lượng thanh niên xung phong nếu đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn của từng hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Ảnh: Lâm Hiển

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật. Thường trực Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, thực hiện việc khen thưởng tổng kết kháng chiến, khen thưởng xây dựng bảo vệ Tổ quốc cho Thanh niên xung phong có công lao, thành tích, cống hiến cũng như thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm không đối tượng nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn bị bỏ sót.

Thảo luận về nội dung này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng ý với việc bổ sung hình thức “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang” nhằm tri ân những đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, trước việc còn nhiều ý kiến khác nhau, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu và nêu rõ hơn những căn cứ về sự cần thiết để bổ sung nội dung này.

Phân tích vấn đề ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, trong kháng chiến, lực lượng thanh niên xung phong cũng có nhiều hy sinh, gian khổ. Ban Bí thư đồng ý về chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời “đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp tình hình mới”. Do đó, cần xây dựng 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy trong năm 2020, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản về chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) để kịp thời đáp ứng công tác quản lý điều hành và tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, BHTN... Tuy nhiên, một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi.

Nguồn: quochoi.vn

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng hoạt động thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã có nhiều tích cực song chưa thấy rõ kết quả. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ chưa có thông tin, báo cáo về việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra.

Công tác phát triển đối tượng tham gia và việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHTN, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2020 chỉ đạt 93,7% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, chiếm tỷ lệ trên 31% lực lượng lao động trong độ tuổi và sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025, tuy nhiên, mức đóng lại giảm nhanh. Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH nhưng vẫn chưa có cơ chế, giải pháp hữu hiệu để giải quyết...

Về tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng số người hưởng BHXH một lần có tốc độ tăng hơn so với năm trước, tuy nhiên, vẫn chỉ dao động ở mức khoảng 5% trong các năm qua nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng. Và với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Thường trực Ủy ban Xã hội kiến nghị, Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN. Đối với Chính phủ, chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầu đủ pháp luật về BHXH. Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội; ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện BHXH đã có sự phối hợp trong triển khai thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần có giải pháp quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; tham gia bảo hiểm hưu trí; việc bổ sung thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; phát triển đối tượng BHXH, nhất là đối tượng bắt buộc; vấn đề hưởng BHXH một lần, vấn đề nợ chậm đóng BHXH…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 để báo cáo tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Các thông tin, dữ liệu phải có tính nhất quán, giải thích rõ, có phân tích, có đánh giá với các chỉ tiêu cụ thể để bảo đảm thống nhất giữa các cơ quan cũng như tính khách quan, chính xác.

Ủy ban Thường Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, về tình hình nợ chậm đóng BHXH phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá cẩn thận, làm rõ nguyên nhân nợ, xác định được đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, nhất là các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách nhà nước để đề xuất giải pháp tháo gỡ, giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng người lao động. Về thanh tra, kiểm tra cần đẩy mạnh và đổi mới về phương thức, tiêu chí rõ ràng, phù hợp để không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong khi dịch, bệnh Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng…

Thành Trung