Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Thi đua, khen thưởng phải trúng và đúng

- Chủ Nhật, 29/08/2021, 04:52 - Chia sẻ
Bình xét thi đua, khen thưởng phải trúng và đúng mới thực sự tạo động lực thi đua và tạo chuyển biến lớn trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm này phải được thể hiện đậm nét trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Ảnh: T.Chi

Tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng phải bảo đảm tính định lượng 

Một trong những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành là Luật xây dựng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng chưa phù hợp ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; chưa có những quy định ràng buộc chặt chẽ, có hệ thống để tạo ra mô hình khen thưởng theo hình chóp - tức là càng hình thức khen thưởng cao, số lượng càng ít. Bên cạnh đó, một số quy định về thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, không hợp lý dẫn đến xu hướng dồn lên các hình thức khen thưởng cấp bộ và cấp Nhà nước. Thực tế cũng đã phát sinh các hình thức khen thưởng của nhiều ngành, nhiều cấp khiến cho phong trào thi đua khen thưởng vừa mang tính hình thức, gây tốn kém và phát sinh tiêu cực như chuyện “chạy” danh hiệu thi đua từ thấp lên cao trong các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị…

Từ những bất cập này, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội lưu ý, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn các điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng, bảo đảm có tính định lượng, bảo đảm khen thưởng trúng thành tích, khen thưởng kịp thời.

Điều 4 dự thảo Luật quy định 6 loại hình khen thưởng gồm: khen thưởng theo công trạng và thành tích; khen thưởng theo đợt hoặc chuyên đề; khen thưởng đột xuất; khen thưởng quá trình cống hiến; khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại. Tuy nhiên, thẩm định dự án Luật, Bộ Tư pháp nhận thấy, chưa có sự liên kết, chưa rõ các loại hình khen thưởng này được cụ thể bằng các danh hiệu thi đua nào, chưa thể hiện tính chất thứ bậc của các loại khen thưởng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác này, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, quy định cụ thể các nội dung này.

Khen thưởng đại biểu Quốc hội phù hợp với thực tiễn

Sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này cũng cần chú ý tới những đối tượng chưa bao giờ được khen thưởng, hoặc rất ít được khen thưởng ở cấp tương xứng. Thời gian qua, nhiều đại biểu có ý kiến về sự thiếu vắng cơ sở pháp lý để khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội. Trong lịch sử 75 năm của Quốc hội, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước. Thế nhưng, chưa có đại biểu Quốc hội hay cơ quan nào của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nhận hình thức khen thưởng xứng đáng. Thực tế cũng cho thấy, trong suốt quá trình công tác, đại biểu Quốc hội chuyên trách hay kiêm nhiệm hầu như chỉ được đề nghị khen thưởng khi chuẩn bị về hưu hoặc sau khi đã nghỉ hưu. Bên cạnh đó, thẩm quyền của lãnh đạo Quốc hội trong việc đề nghị xét thi đua, khen thưởng cho đại biểu Quốc hội hoặc các cơ quan của Quốc hội cũng rất hạn chế, do trong thành phần Hội đồng Thi đua khen thưởng Nhà nước hiện nay không có đại diện các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, muốn đề nghị tặng Huân chương cho cá nhân đại biểu Quốc hội hoặc tập thể cơ quan Quốc hội thì cá nhân hoặc tập thể đó phải được bằng khen của bộ, ban, ngành. "Trong hoạt động dân cử thì lấy đâu ra bằng khen cấp bộ cho các đại biểu Quốc hội?". Đặt vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc thiếu cơ sở pháp lý để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội xứng đáng với những cống hiến, đóng góp của trong xây dựng và phát triển đất nước là sự thiệt thòi cho các đại biểu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, việc khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách được quy định tại khoản 2, Điều 101 Luật hiện hành. Theo đó, "ngoài các hình thức khen thưởng được quy định tại Luật này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức động viên phù hợp đối với cá nhân, tập thể để kịp thời nêu gương tốt trong lao động, sản xuất, công tác và động viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật này quy định". Nội dung này được thể hiện tại Điều 81 dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc không quy định cụ thể thẩm quyền đề nghị khen thưởng cho đại biểu Quốc hội dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

Về thẩm quyền đề nghị khen thưởng, Điều 84 dự thảo Luật giao thẩm quyền này cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, quy định như vậy liệu có phù hợp? Vì đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương không thuộc quyền quản lý của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Nêu lên băn khoăn này, Nhóm Nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, nên chăng giao Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách vấn đề này, còn việc khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương thì thực hiện theo quy định phân cấp quản lý cán bộ cho địa phương.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, mặc dù việc khen thưởng đại biểu chuyên trách ở địa phương đã được phân cấp cho địa phương, nhưng thực tế chưa được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Điều 16 dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua nhưng chưa thể hiện được vai trò, thẩm quyền của Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phát động, chỉ đạo phong trào thi đua.

Tại Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, thực tế trong nhiệm kỳ vừa qua cũng có tới 25 tỉnh không đề xuất khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương. Cũng theo Trưởng ban Công tác đại biểu, các đại biểu Quốc hội chuyên trách là Tỉnh ủy viên thì thẩm quyền quản lý thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy. Tuy nhiên, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội "trả lương" cho các đại biểu chuyên trách nên nhiều địa phương không đề xuất khen thưởng đối với những đại biểu này vì nghĩ việc này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính vì vậy, "có những đại biểu tham gia hoạt động Quốc hội hai nhiệm kỳ, có những đồng chí tham gia rất lâu trong Quốc hội nhưng không được khen thưởng...".

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cần nghiên cứu có hình thức khen thưởng phù hợp với đặc thù hoạt động của đại biểu dân cử vì các đại biểu hoạt động theo nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, cần có hình thức khen thưởng đột xuất gắn với kết quả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Để có cơ sở pháp lý cho việc ghi nhận thành tích, công trạng và cống hiến của đại biểu Quốc hội thông qua các hình thức khen thưởng, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần rà soát, nghiên cứu, đánh giá cụ thể để quy định hình thức khen thưởng phù hợp cho các đại biểu dân cử nói chung, trong đó có đại biểu Quốc hội khi hoàn thành nhiệm vụ tại mỗi nhiệm kỳ.

Trong Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 7.4.2014 của Bộ Chính trị, Thông báo số 120-TB/TW ngày 18.1.2013 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới công tác thi đua khen thưởng, Thông báo kết luận của Ban Bí thư tại Văn bản số 3257/CV-VPTW ngày 7.2.2017 của Văn phòng Trung ương Đảng đã thể hiện một số chủ trương lớn về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đáng chú ý là tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất; giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, khen thưởng bảo đảm chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; tập trung hướng về cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức; bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng cần tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua khen thưởng… Đây là những chủ trương quan trọng của Đảng để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ mới. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng nêu trên, tạo bước đột phá trong đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tại dự án Luật sửa đổi lần này.

Nhật An