Theo dòng sự kiện

Thích ứng an toàn, linh hoạt

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 06:31 - Chia sẻ

Đây là một trong những quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới được Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và nhất trí thông qua tại Hội nghị lần thứ tư vừa bế mạc sáng qua. Quyết định dựa trên diễn biến thực tế và có tính dự báo về tình hình dịch bệnh sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, đưa ra quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường tại Kỳ họp thứ Hai tới.

Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới đã và đang gây những tổn thất nặng nề cả về người và của trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, số người mắc cũng như tử vong vì Covid-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước phát triển với tiềm lực kinh tế mạnh, vẫn chưa ngừng gia tăng. Có lẽ chưa bao giờ, sức khỏe và tính mạng của con người bị thử thách nghiêm trọng và mong manh như bây giờ. Không ngoài tầm ảnh hưởng, đợt dịch lần thứ tư bùng phát với biến chủng mới Delta đang tác động tiêu cực tới nhiều tỉnh, thành phố nước ta, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Một trong những ảnh hưởng nặng nề và rõ rệt nhất chính là kinh tế quý III của Việt Nam rơi xuống mức tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua chỉ đạt 1,42% - mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay, và dự báo cả năm nay chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu 6% Quốc hội đề ra. Kết quả này đã và đang ảnh hưởng tới nhiều mặt, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021 đối mặt với nguy cơ sẽ không thể hoàn thành.

Đáng lưu ý, dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, không loại trừ việc sẽ có thể còn những đợt dịch mới với biến chủng mới, nguy hiểm hơn. Do vậy việc đưa ra những dự báo chính xác về tình hình, từ đó có các chính sách, biện pháp thích ứng một cách tổng thể, căn cơ, bài bản hơn nhằm quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là nội dung được Trung ương tập trung bàn và thống nhất tại Hội nghị.

Một trong những dự báo rất quan trọng, cũng là thực tế khách quan dù không ai và không quốc gia nào mong muốn, đó là thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối. Vì thế, việc Trung ương bàn và nhất trí cho rằng, cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh là chủ trương đúng đắn. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và từ bài học kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế được rút ra trong thời gian qua, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Từ đó, xây dựng được các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể. Và trong số những chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới được đưa ra, trong phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Đặc biệt, không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Đồng thời, sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu Covid-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn…

Trước mắt, trong những tháng cuối năm 2021, Trung ương yêu cầu, cần khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh. Và một trong những vấn đề được đặc biệt lưu ý, đó là “tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không quá hốt hoảng, nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể” để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc bàn và thống nhất những quan điểm, chủ trương lớn về phòng, chống dịch, gắn với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Trung ương cũng đưa ra những quyết đáp cụ thể. Đó là tiếp tục lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương mà Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII đã nêu. 

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm, những nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội năm 2021 và 2022, trong đó có quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, là một trong 2 nhóm vấn đề lớn được Trung ương tập trung bàn, thảo luận kỹ lưỡng tại Hội nghị lần này.

Những quan điểm, chủ trương phù hợp với thực tiễn diễn biến tình hình dịch bệnh được thông qua tại Hội nghị lần này sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, đưa ra những quyết đáp cụ thể, chuẩn xác về những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả, “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo tại Kỳ họp thứ Hai dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20.10 này.

Lam Giang