Thích ứng an toàn với dịch - phải khoa học, nhất quán và thông suốt

- Chủ Nhật, 10/10/2021, 09:25 - Chia sẻ
“Phải sớm có một chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19” là vấn đề được các cử tri huyện Tiên Lãng, quận Hồng Bàng đặt ra tại cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng hôm 9.10. Nhấn mạnh đây cũng là chủ trương đã được Trung ương thống nhất rất cao tại Hội nghị lần thứ tư vừa qua, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để sớm có chiến lược tổng thể thích ứng an toàn với dịch Covid-19 khoa học, đồng bộ, nhất quán từ Trung ương xuống địa phương, bảo đảm “dọc - ngang thông suốt”, không để bị động, lúng túng trong thực hiện.

Quyết định đúng đắn, hợp lòng dân

Với gần 20 cử tri phát biểu tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu tại các xã thuộc huyện Tiên Lãng và các phường thuộc quận Hồng Bàng, cử tri tại hai địa phương này dành sự quan tâm đặc biệt về thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.

Dù Hải Phòng được đánh giá là “thành trì chống dịch” và là điểm sáng thực hiện hiệu quả mục tiêu kép về phòng, chống dịch và duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng những tác động tiêu cực, nặng nề mà đại dịch gây ra ở các địa phương khác, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam đã khiến doanh nghiệp và người dân kiệt quệ. Vì thế, khi Trung ương quyết định chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, nhiều cử tri TP. Hải Phòng đánh giá rất cao và khẳng định, đây là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Cử tri Vũ Minh Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng tha thiết mong Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để cả đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới; tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động ngoại giao vaccine, tìm kiếm thêm các nguồn cung vaccine, có chính sách đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước; tăng cường nguồn lực y tế, đặc biệt là nguồn lực y tế cơ sở, chính sách cho đội ngũ y tế ở tuyến đầu chống dịch. Ông cũng đề nghị Quốc hội phải tăng cường giám việc quản lý, sử dụng các nguồn lực chi cho phòng, chống dịch có đúng mục đích, đúng đối tượng hay không, không để bất cứ cá nhân, tổ chức nào trục lợi từ công tác phòng, chống dịch.

“Chúng tôi đề nghị Quốc hội tiếp tục có những quyết sách để thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là các chính sách đối với doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Đồng thời tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội”, cử tri Đoàn Văn Chương, nguyên Bí thư Quận ủy Hồng Bàng bày tỏ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn kéo dài với những biến chủng virus mới khó lường, nhiều cử tri đặt yêu cầu với Chính phủ phải chỉ đạo thống nhất trong cả nước về việc thích ứng an toàn với dịch như thế nào; cần khắc phục triệt để tình trạng địa phương lúng túng trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị hàng hóa như thời gian qua. 
Ở góc độ khác, cử tri Hoàng Kim Chiến (huyện Tiên Lãng) đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; xem xét, ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề vaccine, trong đó quy định cụ thể khung chính sách, cơ chế để các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, sản xuất vaccine, từ đó, giúp nước ta dần chủ động được nguồn cung vaccine cũng như chủ động trong công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Không để lỡ nhịp đà phục hồi của thế giới

 Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của cử tri về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thích ứng an toàn với dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII vừa bế mạc, Trung ương đã thống nhất tiếp tục thực hiện mục tiêu kép nhưng phải đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn với dịch bệnh, sản xuất an toàn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó, điều kiện tiên quyết là phải bao phủ được vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn với dịch. Có rất nhiều vấn đề phải đặt ra, song rút kinh nghiệm từ quá trình thực thi các giải pháp phòng, chống dịch vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn với đại dịch phải bảo đảm tính đồng bộ, bài bản, khoa học, nhất quán từ Trung ương đến địa phương, được xây dựng trên cơ sở các dữ liệu khoa học, dịch tễ; đồng thời phải bảo đảm chỉ đạo thống nhất, “dọc - ngang thông suốt”, nhịp nhàng trong tổ chức thực hiện. Trung ương cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch phải nâng cao năng lực dự báo tình hình, có các kịch bản, phương án để chủ động có giải pháp ứng phó theo phương châm “đi trước một bước”.

Cùng với đó, Quốc hội cũng đang yêu cầu các cơ quan triển khai xây dựng kế hoạch tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch. Kế hoạch này không chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế mà còn phải xem xét, đánh giá các vấn đề xã hội, y tế, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần... của người dân. Trước mắt, ngay trong tuần tới, Chủ tịch Quốc hội sẽ trực tiếp làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội để bàn cụ thể xem cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nào hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; xem xét thiết kế gói chính sách tổng thể để vừa hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội vừa kích thích nền kinh tế phục hồi, phát triển theo đúng tinh thần của Trung ương là không để lỡ nhịp với đà phục hồi, tăng trưởng của thế giới. Dự kiến trong quý I.2022, Quốc hội cũng sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên đầu tiên để thảo luận về vấn đề phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Tại cả hai cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Tiên Lãng và quận Hồng Bàng đã điểm lại “vanh vách” những đóng góp cụ thể của Quốc hội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tại Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ này Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, trao thêm quyền để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ được thực hiện các biện pháp đặc cách, đặc thù, đặc biệt để phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Từ đây đã mở ra cơ chế để Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tục ban hành các Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ thực hiện các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, phân bổ hiệu quả nguồn lực phòng, chống dịch... 

 Những quyết đáp đặc biệt và sự đồng hành chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch vừa qua, như chia sẻ của các cử tri huyện Tiên Lãng và quận Hồng Bàng, đã củng cố niềm tin của người dân, "chúng ta nhất định sẽ hồi phục và vững vàng vượt qua đại dịch". 

Luôn lắng nghe cuộc sống, ý nguyện của Nhân dân, luôn chủ động vào cuộc, nghiên cứu từ sớm, từ xa để cùng với Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi, đặc biệt là "thực tiễn bất thường, chưa từng có tiền lệ" của đại dịch toàn cầu, có thể nói rằng, Quốc hội đã chọn "cách làm khó, vất vả" nhưng là cách làm hiệu quả vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân. Đó cũng chính là cội nguồn niềm tin, sự kỳ vọng mà cử tri Hải Phòng nói riêng và cử tri cả nước nói chung đang hướng về Quốc hội.  

Quỳnh Chi