Thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hải Dương Khóa XVII

Thích ứng linh hoạt, bứt phá tăng trưởng

- Thứ Tư, 22/12/2021, 06:23 - Chia sẻ
Thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hải Dương Khóa XVII, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", thích ứng linh hoạt, tạo nền tảng để bứt phá. Mỗi địa phương cũng phải đổi mới, sáng tạo, chủ động hơn nữa trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Chủ động đổi mới vượt qua khó khăn

Nhận diện tình hình Covid-19 hiện đang và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, các đại biểu nhấn mạnh: 2022 tiếp tục là năm khó khăn của tỉnh trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc tỉnh lựa chọn chủ đề năm 2022 - "Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá" được nhiều đại biểu đánh giá cao. Đây là chủ trương thể hiện nỗ lực của tỉnh trong thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

	Đại biểu Nguyễn Văn Kiên (TP Chí Linh) phát biểu tại thảo luận tổ Ảnh: Thanh Bình
Đại biểu Nguyễn Văn Kiên (TP Chí Linh) phát biểu tại thảo luận tổ
Ảnh: Thanh Bình

Đại biểu Nguyễn Đình Tranh đề nghị, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng cho các đối tượng nguy cơ cao như: Công nhân ở những doanh nghiệp đông người, lái xe đường dài... Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm, phủ rộng tiêm vaccine phòng Covid-19; có kế hoạch dự phòng thuốc điều trị cho F0 tại nhà; chuẩn bị sinh phẩm, trang thiết bị cho y tế tuyến cơ sở. Đại biểu Hồ Ngọc Lâm đề nghị, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến đầu chống dịch, nhất là lực lượng chống dịch tại các thôn dân cư.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng trước tiến độ triển khai, thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, tỉnh cần tập trung xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương và quy chế phối hợp giữa các sở ngành về trình tự, thủ tục đầu tư; giao trách nhiệm cho người đứng đầu các sở, ngành địa phương trong việc cấp phép đầu tư dự án. Đại biểu Đoàn Đình Tuyến nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đối với vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tỉnh cần xem xét, quy định mức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tương đương với các địa phương lân cận; bố trí kinh phí để các địa phương giải phóng mặt bằng. Về phía các địa phương, cần chủ động, đổi mới, sáng tạo hơn để vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh. 

Lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp

Tại phiên thảo luận, các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu. Theo nhận định của các đại biểu, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã rất quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn như: Đề án Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương thuộc đối tượng được hỗ trợ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết tập trung đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…

Dù vậy, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.273 tấn/ngày; dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên 1.387 tấn/ngày. Với khối lượng rác lớn như vậy sẽ gây không ít áp lực cho công tác thu gom, xử lý. Hiện, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là đốt và chôn lấp. Toàn tỉnh hiện có 756 bãi chôn lấp rác thải (201 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng). Hầu hết các xã trên địa bàn đều đã có bãi chôn lấp rác thải và các tổ, đội thu gom rác thải. Tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn vẫn đang lúng túng trong công tác xử lý khi lượng rác thải ngày càng lớn, dẫn tới quá tải. Một số bãi rác chôn lấp đã đầy phải đóng cửa và tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm ô nhiễm môi trường.

Theo đại biểu Hồ Ngọc Lâm, để đem lại hiệu quả lâu dài, cần xây dựng nhà máy xử lý có quy mô đủ lớn với công nghệ tiên tiến phù hợp khối lượng rác thải rắn cần xử lý. Bên cạnh đó, trong năm 2022, UBND tỉnh cần xây dựng cơ chế đặc thù cho phép các huyện chủ động quy hoạch, mời gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tại chỗ. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Kiên nêu thực trạng giá thu gom rác thải trên địa bàn đang ở mức thấp nên chưa hấp dẫn được các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Do đó, tỉnh cần có chính sách thu hút thật sự hấp dẫn để thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch...

Thanh Bình