Thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội

Thích ứng nhanh trong tình hình mới

- Thứ Năm, 18/11/2021, 05:17 - Chia sẻ
Sau 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định: Bên cạnh tiềm năng, lợi thế, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để Chương trình OCOP đạt được hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là thích ứng nhanh trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

- Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hà Nội là đơn vị “đi sau nhưng về đích sớm” trong thực hiện Chương trình OCOP. Những yếu tố nào đã giúp thành phố có được thành quả hiện tại, thưa ông?

- Hà Nội vốn được mệnh danh là vùng “đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 1/3 tổng số làng nghề trong cả nước. Trên địa bàn có hơn 1.000 HTX, 1.500 THT và gần 1.600 trang trại, hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất, mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang hoạt động hiệu quả. Đây là nền tảng để Hà Nội đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP với đa dạng các sản phẩm.

Bên cạnh thế mạnh sẵn có đó, có 3 yếu tố chính góp phần tạo nên thành công bước đầu của Chương trình OCOP. Thứ nhất, công tác thông tin, tuyên truyền được thành phố tổ chức sâu rộng, tạo sức lan tỏa, giúp chính quyền các cấp và các chủ thể hiểu được ý nghĩa của Chương trình OCOP và tích cực tham gia hưởng ứng. Thứ hai, công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ các cấp, chủ thể, doanh nghiệp, HTX luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, giúp cho việc tổ chức triển khai Chương trình ngày một bài bản, chuyên nghiệp, có hiệu quả. Thứ ba, cũng là yếu tố quan trọng nhất chính là sự quan tâm, chỉ đạo của UBND thành phố, đặc biệt là trong kết nối, giao thương, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Nhờ đó, đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP của 216 chủ thể, trong đó có 4 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì

Ảnh: Trọng Tùng 

- Trong thời điểm các chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản có nguy cơ bị "đứt gãy" do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã đẩy mạnh quảng bá, bán hàng trực tuyến để hỗ trợ các chủ thể OCOP và các địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về cách làm này?

- Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thực phẩm trên địa bàn thủ đô gặp rất nhiều khó khăn. Văn phòng Điều phối NTM đã phối hợp với một số đơn vị liên quan hỗ trợ các chủ thể OCOP, doanh nghiệp và người dân quảng bá, bán hàng trực tuyến nhằm duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm. Các hoạt động, như: Tổ chức “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội”; Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn; tổ chức 5 lớp tập huấn miễn phí trực tuyến bán hàng online, Livestream cho 444 học viên của của 273 đơn vị sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội và 20 tỉnh thành trên cả nước; tổ chức 5 cuộc thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến”, gọi tắt là “Chợ đêm trên mây” trên nền tảng Zoom với hình thức Livestream.

Kết quả thực hiện phương thức quảng bá, bán hàng trực tuyến thời gian qua đã cho thấy đây là phương thức phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, giúp các chủ thể có thể đổi mới tư duy, quyết tâm tiếp cận với công nghệ mới để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách trực quan, hữu ích.

- Thời gian tới, thành phố sẽ có những kế hoạch cụ thể nào tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP thủ đô, thưa ông?

- Văn phòng Điều phối NTM đã tham mưu trình UBND thành phố Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mục tiêu phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; 100% làng nghề được UBND thành phố công nhận, đã và đang phát triển có chủ thể tham gia Chương trình OCOP, 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao có sản phẩm OCOP. Do đó, Hà Nội đang tiếp tục chú trọng nâng cấp sản phẩm OCOP, định hướng, khuyến khích các chủ thể đầu tư, ứng dụng thiết bị, khoa học kỹ thuật, công nghệ thế hệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đồng thời bảo đảm tăng trưởng bền vững, an toàn môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP cấp thành phố về thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác trên bao bì sản phẩm, tem sản phẩm… nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP đã được phân hạng sao cấp thành phố.

Đối với việc quảng bá, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, từ nay đến hết năm 2021, trên cơ sở tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, Văn phòng điều phối NTM sẽ tổ chức 2 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ và tổ chức 4 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cùng với đó, tích cực triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể OCOP và hộ sản xuất kinh doanh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá sản phẩm, nhằm hạn chế sự "đứt gãy" các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

- Xin cảm ơn ông!

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)

ĐÀO CẢNH thực hiện