Thích ứng với thiên tai

- Thứ Năm, 22/10/2020, 09:55 - Chia sẻ
Những ngày này, người dân các tỉnh miền Trung đang vật lộn với trận lũ lịch sử. Đồng bằng sông Cửu Long người dân lại mong chờ lũ. So sánh như vậy là khập khiễng, nhưng để thấy rằng đã đến lúc cần có giải pháp tổng thể để thích ứng với thiên tai cả trước mắt và lâu dài...

Cách đây 7 năm, ngày 8.4.2013, tại Phú Yên đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình thí điểm hỗ trợ xây dựng nhà ở, phòng, chống lũ, lụt khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung theo Quyết định số 716/QÐ-TTg ngày 14.6.2012 của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo tại hội nghị, Bộ Xây dưng cho biết, thực hiện Quyết định số 716/QÐ-TTg, các địa phương trong vùng đã lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng, tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Sau hơn 6 tháng triển khai, chương trình thí điểm đã cơ bản hoàn thành. Có 697/700 hộ được hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng chòi phòng, tránh lũ, lụt, đạt tỷ lệ 99,6%... Theo đánh giá, đây là chính sách hợp lòng dân được người dân đồng tình, ủng hộ, các tổ chức đoàn thể và chính quyền các địa phương đánh giá cao...

Với những kết quả đạt được, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục được triển khai trên diện rộng đối với các khu vực bị lũ, lụt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung để giúp các hộ nghèo có cuộc sống an toàn, ổn định, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành để triển khai trên diện rộng; các tỉnh tham gia Chương trình thực hiện thí điểm cần tổ chức rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện, tiếp tục rà soát đối tượng, chuẩn bị điều kiện để tiếp tục triển khai trên diện rộng khi chính sách được ban hành; các tỉnh, thành không tham gia...

Phát biểu tại Hội nghị, khi ấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mô hình xây dựng chòi phòng, tránh lũ, lụt có nhiều ưu điểm nổi trội và có tính thực tiễn cao vì ngoài chức năng phòng, tránh lũ, lụt còn có thể sử dụng để ở. Bởi vậy, cần tiếp tục triển khai trên diện rộng chính sách hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt đối với 14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với khoảng 60 nghìn hộ nghèo để các hộ gia đình có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững...

Và trên thực tế, những ngày qua, khi hầu hết nhà cửa ở Quảng Bình, Quảng Trị ngập trong lũ thì những ngôi nhà phao ở "rốn lũ" Tân Hóa, Quảng Bình đã trở thành nơi trú ẩn an toàn. Như vậy, hiệu quả của nhà chống lũ không có gì phải tranh luận thêm. Vậy nhưng, chỉ với nguồn lực của nhà nước thì chưa đủ. Để nhân rộng mô hình này, rất cần sự chung tay của xã hội. Chương trình Nhà chống lũ - một dự án xây dựng nhà an toàn cho người dân vùng lũ được khởi xướng từ năm 2013 là một trong số đó. Trải qua thử thách lớn nhất từ năm 1999 tới nay, các mô hình nhà chống lũ tại Liên Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Tân Hóa, Minh Hóa, đã giúp người dân chủ động ứng phó - phụ trách mô hình thiết kế Nhà chống lũ đánh giá.

Khi xảy ra mưa lũ, cái người dân cần nhất khi đó là chỗ ở, cái ăn. Và khi những diễn biến của thời tiết ngày càng bất thường thì không còn cách nào khác là phải thích nghi, thích ứng. Nhà chống lũ là một trong những giải pháp đã chứng minh hiệu quả, cần thiết được nhân rộng, không chỉ bằng nguồn lực của nhà nước mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Như chia sẻ của nhà sáng lập Nhà chống lũ là chúng tôi không mong muốn có nhiều tiền mà mong muốn có nhiều người cùng tham gia. Nhà chống lũ sẽ giúp mô hình, kỹ thuật, dự toán… để có nhiều bên cùng tham gia, triển khai các công trình nhà chống lũ cho người dân. Thông qua các  tài liệu của Nhà chống lũ, chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, các chuyên gia, các cá nhân quan tâm có thể tham khảo, áp dụng và nhân rộng các mô hình nhà an toàn tương thích với từng loại hình thiên tai.

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, vậy nên, cùng với đối phó, cần thiết phải có giải pháp để thích ứng.

Hải Lam