Thiết lập “vùng xanh” cho nông sản

- Thứ Ba, 10/08/2021, 06:20 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng nông sản. Thực tế, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng nông sản đến vụ thu hoạch nhưng không được thu hái, tiêu thụ khó khăn. Chỉ riêng tại các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội, hơn 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ quả, 4 triệu tấn trái cây các loại, hơn 120.000 tấn hải sản, lợn, gà... có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng đang chờ tiêu thụ.

Sầu riêng ở Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch. Chỉ riêng hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, tổng sản lượng dự kiến hơn 120 nghìn tấn. Tuy nhiên, giá sầu riêng truyền thống được thương lái thu mua chỉ từ 7.000 - 10.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 có giá trên 20.000 đồng/kg; sầu riêng Thái, Dona được thu mua với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Mức giá này đều thấp hơn mùa vụ trước từ 30 - 40% nhưng nông dân không còn sự lựa chọn nào khác, bán được đồng nào hay đồng đó. Bởi sầu riêng khi vào thu hoạch thì chín rụng đại trà, nông dân không bảo quản được, không bán thì mất trắng.

Tương tự, giá gà công nghiệp lông trắng xuất chuồng tại các tỉnh miền Nam hiện chỉ còn 7.000 - 8000 đồng/kg, rẻ hơn một kilogam rau. Một con gà khoảng 3kg, giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi vào khoảng 25.000 đồng/kg gà công nghiệp hơi, nên mỗi kilogam gà xuất chuồng đang bị lỗ 17.000 đồng/kg... Tỉnh Tây Ninh đang có khoảng 1 triệu con gà trắng bị ế đọng. Có cơ sở chăn nuôi phải đốt bỏ hàng triệu gà con do không có chuồng để thả nuôi và khó khăn về nguồn thức ăn.

Tình hình hiện tại nếu nút thắt không được tháo gỡ hay chậm trễ, sẽ gây ra đổ vỡ nền tảng ngành nông nghiệp, sẽ thiếu hụt và ảnh hưởng an ninh lương thực. Đa phần các sản phẩm nông nghiệp có tính chất mùa vụ, ngoài một vài loại lương thực như lúa, bắp... có thể phơi khô dự trữ được thì hầu hết những loại còn lại phải tiêu thụ nhanh. Sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu là hộ gia đình nên khi sản phẩm chậm tiêu thụ thì sẽ dễ hư hỏng, nông dân mất vốn, khó lòng tái tổ chức sản xuất. Người dân sẽ giảm chăn nuôi, gieo trồng vụ mới và trong tương lai gần, các đô thị sẽ khan hiếm nhiều mặt hàng thiết yếu như rau củ, thực phẩm ngắn ngày.

Nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng lao động từ khâu thu hoạch, đến vận chuyển và bảo quản, nhiều nhà máy chế biến đóng cửa gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm tươi cũng như sản phẩm chế biến. Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất chính là khâu lưu thông nông sản chưa có sự thống nhất, nhiều địa phương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ các “vùng xanh”, cùng với cách xử lý của các chốt kiểm soát mỗi nơi mỗi khác, cũng đang làm cho việc lưu thông gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên ngày 6.8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nhiều địa phương kêu khó nhưng bản thân lại tự làm khó cho mình bằng cách đặt ra điều kiện riêng, làm ách tắc cản trở quá trình lưu thông hàng hóa. Rõ ràng, bên cạnh dịch bệnh, còn một loạt nguyên nhân chủ quan, duy ý chí, cứng nhắc, có những quyết định chưa phù hợp với thực trạng. Trong khi đó, hệ thống vận chuyển là mắt xích quan trọng trong giá thành, lợi nhuận và thời gian bảo quản của nông sản, rất cần phát huy hết sức mạnh của hệ thống này. Chỉ khi thị trường thông suốt, mới không xảy ra tình trạng nơi thì khan hiếm, nơi thì hàng hóa phải đổ bỏ.

Mỗi năm, ngoài tiêu thụ trong nước, ngành nông nghiệp đóng góp hơn 40 tỷ USD từ xuất khẩu. Vì thế, rất cần một kế hoạch chi tiết để tiếp tục duy trì sản xuất các “vựa” nông sản chủ lực, không làm đứt gãy chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Để làm được điều này, các địa phương cần thống kê sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… để xây dựng phương án thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cụ thể như Bắc Giang đã từng làm với quả vải. Đồng thời thành lập tổ công tác ở các địa phương nhằm thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm không để ứ đọng; tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển nhằm bảo đảm lưu thông thông suốt.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, cần thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “vùng xanh” cho nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16.

Chi An