Thiếu cơ chế, chính sách hấp dẫn

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:19 - Chia sẻ
Theo nhận định của Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, hiện nay, số lượng văn bản khoa học - công nghệ ban hành áp dụng chung nhiều, nhưng trực tiếp liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn ít. Nội dung liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi ít được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật, dẫn đến thiếu cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là các chính sách ưu tiên về thuế, tín dụng, đất đai.

Từng bước được hoàn thiện

Vừa qua, Hội đồng Dân tộc đã thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020. Đoàn giám sát đã làm việc tại một số bộ, ngành, giám sát trực tiếp tại 6 tỉnh, giám sát qua báo cáo 28 tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức hội thảo chuyên đề với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành và địa phương.

Kết quả giám sát cho thấy, giai đoạn 2011 - 2020, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã từng bước được hoàn thiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ. Các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ tập trung trên địa bàn vùng nông thôn cả nước và vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 2 luật quan trọng, đó là: Luật Khoa học và Công nghệ vào năm 2013; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017. Chính phủ cũng ban hành 4 nghị định thi hành, trong đó có 3 nghị định hiện còn hiệu lực.

Đối với vùng nông thôn và miền núi, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định cho các giai đoạn thực hiện 2010 - 2015 và 2016 - 2025 (Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 1.10.2010; Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13.10.2015). Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 4 quyết định phê duyệt 4 chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và miền núi; các bộ, ngành ban hành 4 thông tư để cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ tại vùng nông thôn và miền núi.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc ghi nhận, hầu hết các tỉnh đã triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học và công nghệ và các chương trình khoa học và công nghệ. Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, UBND các tỉnh đã có sự quan tâm, chỉ đạo triển khai, chủ động giao Sở Khoa học và Công nghệ, các ban, ngành, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện theo điều kiện thực tiễn và nguồn lực của địa phương. Hệ thống văn bản ban hành thống nhất với các quy định của trung ương, phục vụ kịp thời việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ KH và Công nghệ

Ảnh: Hoàng Ngọc 

Cần quy định đặc thù

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc cũng chỉ ra rằng, số lượng văn bản khoa học - công nghệ ban hành áp dụng chung có nhiều, nhưng trực tiếp liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn ít. Nội dung liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi ít được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật, dẫn đến thiếu cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là các chính sách ưu tiên về thuế, tín dụng, đất đai.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành thẳng thắn, các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành được áp dụng chung cho cả nước, có một số quy định chưa phù hợp với thực tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, việc quản lý thực hiện một số chương trình được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó một số văn bản đã có sự thay đổi, một số văn bản quy định còn chưa rõ ràng, gây lúng túng, khó khăn trong quá trình áp dụng.

Ở địa phương, hầu hết văn bản ban hành là văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện theo các chính sách, chương trình của Trung ương. Các địa phương không ban hành chính sách riêng cụ thể hóa những quy định của Trung ương. Việc quan tâm, chỉ đạo ở các địa phương có mức độ khác nhau...

Trước thực tế này, Đoàn giám sát đề nghị, Quốc hội cần giao Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ theo hướng cụ thể hơn các quy định đặc thù cho phát triển khoa học và công nghệ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, xem xét sửa đổi một số quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các luật liên quan về thuế, lao động và tiền lương; chính sách và cơ chế khuyến khích nguồn đầu tư xã hội (ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp) để thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ phát triển.

Chính phủ cần ban hành quy định yêu cầu việc bố trí nguồn kinh phí hàng năm dành cho khoa học và công nghệ phải bảo đảm theo luật định (2%), trong đó có cơ chế yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn ngân sách địa phương dành tỷ lệ tối thiểu cho hoạt động khoa học và công nghệ. HĐND địa phương cần tăng cường giám sát việc thực hiện để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1.12.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã nêu rõ: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp…”. Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi còn nhiều khó khăn càng phải quan tâm hơn đưa khoa học và công nghệ ứng dụng trong đời sống, sản xuất, kinh doanh. Phát triển khoa học và công nghệ để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Anh Thảo