“Thiếu đủ thứ” cho chuyển đổi số

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:51 - Chia sẻ
Số doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng các công cụ chuyển đổi số tăng 60,6% so với trước dịch Covid-19 nhưng chủ yếu tập trung vào các giải pháp làm việc trực tuyến. Quá trình chuyển đổi số của khu vực này gặp nhiều thách thức như thiếu kỹ năng số, thiếu nhân lực, thiếu nền tảng thông tin đủ mạnh…

Nhiều rào cản

Dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng cũng là cú hích quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực này, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số - Từ chính sách đến giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” ngày 9.9.

Đặc biệt, dịch bùng phát lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp sụt giảm 50 - 90% doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh hoặc rời khỏi thị trường. Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp, bán hàng... nhưng quá trình này gặp nhiều thách thức. “Hiện nay, doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp, thiếu nền tảng công nghệ thông tin, mô hình chuyển đổi số không phù hợp”, ông Phòng nhấn mạnh.

Theo khảo sát của VCCI, so với trước dịch, số doanh nghiệp ứng dụng các công cụ chuyển đổi số tăng 60,6% nhưng tập trung chủ yếu vào các giải pháp tiếp cận trực tuyến như làm việc trực tuyến, họp trực tuyến, tiếp thị trực tuyến. Bên cạnh đó, 17% doanh nghiệp thiếu kỹ năng số và nhân lực; 60,7% thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh; thiếu tư duy kỹ thuật số…

Nguồn: ITN

Chọn phương án phù hợp

Theo bà Dương Hạnh Phúc, Giám đốc Tiếp thị, HPE Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tăng tốc chuyển đổi số, đồng thời bảo đảm mọi hoạt động diễn ra thông suốt, phục hồi nhanh hơn trong và sau đại dịch. Do hạn chế về nguồn vốn, doanh nghiệp khi chuyển đổi số cần lựa chọn các phương án phù hợp với mô hình nhỏ, gọn, dễ triển khai, dễ cấu hình, dễ quản lý, với chi phí hợp lý nhất.

Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số Phạm Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng công nghệ số sẽ hỗ trợ nhân viên làm việc tốt hơn; giúp gắn kết khách hàng, tối ưu hóa vận hành và chuyển đổi sản phẩm. Quan trọng là nội bộ phải thống nhất cách hiểu và tầm nhìn về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Tôn Anh Dũng, Giám đốc Sản phẩm, Công ty CP Công nghệ Elite cho rằng, chuyển đổi số hiểu đơn giản là ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị mới, mô hình kinh doanh mới. Do vậy, chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy và nhận thức. Chủ doanh nghiệp phải nhìn thấy cơ hội cho đơn vị và người lao động thì mới có hành động phù hợp. Quá trình chuyển đổi số không khó, hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện nhưng còn rời rạc, chưa đồng bộ và bài bản. Theo ông Dũng, việc lựa chọn giải pháp thực tiễn hay mô hình công nghệ để áp dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần dựa vào các yếu tố như chi phí, khả năng triển khai, tính phức tạp, mức độ hiệu quả và tính bảo mật. Các mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp có thể dùng cho 50 - 200 người dùng với các gói chi phí 50 - 200 triệu đồng.

An Thiện