Thiếu nguồn công chứng viên

- Thứ Năm, 12/08/2021, 06:35 - Chia sẻ
Thiếu nguồn công chứng viên là một thực tế của nhiều địa phương trong quá trình thực hiện Luật Công chứng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do vướng những quy định cứng liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm, thời gian tập sự hành nghề công chứng viên.

Theo Điều 8, Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành, để được bổ nhiệm công chứng viên thì công dân đó phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn như: Có bằng cử nhân luật; có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật; phải hoàn thành tập sự hành nghề công chứng viên theo thời gian quy định là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và 6 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng công chứng.

Phản ánh của các địa phương cho thấy, phải mất ít nhất 7 năm mới có thể đào tạo, bổ nhiệm được một công chứng viên. Thời gian này bao gồm cả thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên sau khi có bằng cử nhân Luật; đào tạo nghề công chứng là 12 tháng (trừ trường hợp được miễn); tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng (6 tháng đối với trường hợp được miễn); phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp tổ chức...

Điều đáng nói, tại Thông tư số 04/2015/TT-BTP về hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng, lại có thêm quy định: Người đang là cán bộ, công chức, viên chức (trừ viên chức làm việc tại phòng công chứng) thuộc diện không được đăng ký tập sự. Nghĩa là nguồn đầu vào càng hẹp hơn. Thực tiễn thi hành Luật Công chứng cho thấy, ngay cả khi được pháp luật cho phép, các trường hợp đang công tác tại các cơ quan khác cũng khó bố trí thời gian để tập sự tại các tổ chức hành nghề công chứng trong thời gian dài như thế.

Trước những quy định “cứng” trên, nhiều địa phương đã linh hoạt bằng cách chuyển công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị sự nghiệp đã được quy hoạch, dự kiến bố trí làm công chức viên đến phòng công chứng. Tuy nhiên, sự linh hoạt này lại vướng vào những quy định của Luật Viên chức năm 2010.

Không chỉ vướng vì quy định tập sự mà nguồn đầu vào công chứng viên cũng đang bị nghẽn bởi quy định “có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật” tại Khoản 2, Điều 8, Luật Công chứng. Nhiều địa phương cho rằng, mặc dù quy định này hướng tới việc bổ nhiệm công chứng viên phải có kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu pháp luật, nhưng như thế nào được hiểu là “công tác pháp luật” thì còn chưa rõ.

Liên quan đến vấn đề này, tại Khoản 3, Điều 3 của Thông tư số 01/2021/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng đã có hướng dẫn cụ thể về giấy tờ chứng minh về thời gian làm công tác pháp luật đối với các đối tượng như: Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành luật; thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, thừa phát lại.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người hoạt động ở các lĩnh vực liên quan đến pháp luật lại bị bỏ sót khá nhiều đối tượng, mà thực tiễn công tác của họ có rất nhiều kinh nghiệm pháp luật như đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, hoặc người lao động, người sử dụng lao động ở các thành phần kinh tế, như giám đốc nhân sự, pháp chế doanh nghiệp tư nhân…

Phạm Hải