Dịch vụ hạ tầng xã hội cho người lao động:

Thiếu trước, hụt sau

- Thứ Tư, 17/11/2021, 14:48 - Chia sẻ
Xây dựng hạ tầng xã hội được coi là nhân tố quan trọng nhằm đảm bảo cầu về nhà ở, sinh hoạt văn hóa cho người lao động, từ đó nâng cao năng suất. Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng xã hội tại khu công nghiệp chưa mang tính đồng bộ, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp chưa được chú trọng đầu tư.

Thiếu đồng bộ

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, đánh giá về việc đầu tư hạ tầng xã hội tại khu công nghiệp, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho biết, việc đầu tư hạ tầng xã hội tại khu công nghiệp chưa mang tính đồng bộ; nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu. Nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp chưa được đầu tư như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám... “Hầu hết các khu công nghiệp đều chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chú trọng lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động” – ông Phòng chia sẻ.

Nguồn cung nhà ở cho công nhân lao động vẫn còn đang thiếu hụt. ITN
Nguồn cung nhà ở cho công nhân lao động vẫn còn đang thiếu hụt.
Nguồn: ITN

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, bên cạnh yếu tố dịch tễ sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như: phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thì hạ tầng này còn thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… Điều đó, dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Shinec Phạm Hồng Điệp: “Một khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất cần phải có đầy đủ các các tiêu chí cả về đời sống, văn hoá, kết nối cho người lao động. Hiện nay, tư duy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật còn toàn bộ hạ tầng xã hội không được để ý đến”.

Theo ông Điệp, dù doanh nghiệp biết rõ tầm quan trọng của hạ tầng xã hội trong việc giữ nguồn nhân lực, song để triển khai không chỉ ở vốn mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân. Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Khu công nghiệp phải gắn với hạ tầng xã hội

Cần rất nhiều khu nhà ở cho công nhân, để họ yên tâm làm việc
Nguồn: ITN

Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, TS. Nhạc Phan Linh, tính đến thời điểm cuối tháng 9.2021 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2. Tuy nhiên, con số này rất thấp so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Tờ trình số 46/TTr-TLĐ trình Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị thí điểm cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất một số giải pháp về nhà ở cho công nhân.

Đại diện của Tổng Liên đoàn Việt Nam cho biết thêm, ảnh hưởng dịch đã cho thấy những bức xúc về nhà ở của công nhân càng lộ rõ bất cập. Có những địa phương, tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân, nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.

Đề ra giải pháp cho bài toán hạ tầng xã hội khu công nghiệp, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng, vấn đề lớn cần giải quyết là hạ tầng an sinh cho công nhân khu công nghiệp mà cụ thể là nhà ở cho người lao động. Theo đó, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê; trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động.

Thái Yến