Doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Thiếu vốn, lao động và nguyên liệu

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 06:52 - Chia sẻ
Các doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu mở cửa, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tình trạng phổ biến hiện nay là: Thiếu vốn, thiếu lao động, giá nhiều loại nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng, không có hoặc không đủ nguyên liệu do các rào cản “luồng xanh - luồng đỏ”...

Gần 90% doanh nghiệp dừng hoạt động

Tại hội thảo “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” ngày 1.10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết, số doanh nghiệp ở ĐBSCL phải tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng gần đây lên tới gần 90%. Các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được khoảng 10% công suất và phát sinh nhiều chi phí. Mức suy giảm sản xuất công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL mạnh hơn so với nhiều tỉnh vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Trong tháng 8.2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng trước đó.

	Các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long khốn khó trăm bề Nguồn: ITN
Các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long khốn khó trăm bề
Nguồn: ITN

Các ý kiến tại hội thảo cho biết, doanh nghiệp ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu mở cửa, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tình trạng phổ biến hiện nay là: Thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, giá nhiều loại nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng, không có hoặc không đủ nguyên liệu do các rào cản “luồng xanh - luồng đỏ”, nhu cầu của khách hàng thay đổi, một số thị trường nhập khẩu vẫn thận trọng với nông sản nước ta.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa thể mở cửa sản xuất lại vì khó kết nối chuỗi sản xuất, vận tải, logistics với các tỉnh, thành phố trong vùng; giữa các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ. Ngoài ra, trong bối cảnh “bình thường mới”, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Mở cửa với "5 mũi giáp công"

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, 3 tháng cuối năm nay là thời gian vàng và cũng là “thách thức sinh tử” với nền kinh tế Việt Nam. Nếu mở cửa chậm thì cái giá phải trả vô cùng lớn. Công cuộc tái thiết và phục hồi kinh tế thời gian tới phải xuất phát từ quan điểm: Mỗi phường, xã là một “tế bào” trong một cơ thể sống là nền kinh tế quốc dân. Nếu tiếp tục chia cắt địa giới theo kiểu “ngăn sông, cấm chợ”, nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ "chết". Vì thế, cả vùng, cả nước phải chung tay mở cửa, tạo ra sự kết nối liên tỉnh, liên vùng để người lao động trở lại công trường, để vật tư nguyên liệu về nhà máy, để hàng hóa đến với thị trường.

Cụ thể, theo ông Lộc, các địa phương vùng ĐBSCL cần thực hiện ngay các biện pháp phục hồi kinh tế theo “5 mũi giáp công”: Mở cửa thị trường; đẩy mạnh cải cách thể chế, hành chính; thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh; nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; thúc đẩy thực hiện các hiệp định thương mại tự do, các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư để kết nối lại chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường.

Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng những khó khăn, thách thức mà nông nghiệp ĐBSCL từng phải đối diện như được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, di dân… Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, không thể tiếp tục nhìn nông nghiệp ĐBSCL qua những mảnh ghép rời rạc theo địa giới hành chính với tư duy từng xã, từng huyện, từng tỉnh, mà phải kiến tạo không gian phát triển kinh tế cho toàn vùng. ĐBSCL cần chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, vì kinh tế nông thôn sẽ tạo ra nhiều việc làm, tạo ra sự kết nối liên xã, liên huyện, liên tỉnh, giúp người nông dân thoát khỏi tư duy sản lượng để chuyển sang tư duy giá trị. “Muốn vậy, phải chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng logistics cho nông nghiệp để phục vụ tốt các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản; giúp cộng đồng dân cư và doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng - những lỗ hổng lớn đã lộ ra trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Vũ Châu