Thỏa thuận khai thông bế tắc

- Thứ Ba, 20/07/2021, 06:04 - Chia sẻ
Cuối tuần qua, OPEC+ đã nhất trí được thỏa thuận tăng sản lượng trong thời gian còn lại của năm 2021 và sang năm 2022, khai thông tình trạng bế tắc gây ra sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng giữa Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và quốc gia láng giềng Ảrập Xêút.
Nguồn: Reuters

Tình hình khả quan

Bộ trưởng Năng lượng UAE cho biết, các OPEC+ đã đạt được “thỏa thuận đầy đủ” để tăng sản lượng một cách khiêm tốn từ tháng 8, báo hiệu bước đột phá nhằm khai thông bế tắc về việc 23 thành viên và một số đồng minh bên ngoài là những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới sẽ tiến hành sản xuất dầu sắp tới, sau khi hạn chế sản lượng vào năm ngoái giữa bối cảnh giá dầu giảm mạnh vì đại dịch Covid-19.

Hôm chủ nhật vừa qua, các thành viên đã đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi tháng kể từ tháng 8 để giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu, cho đến khi toàn bộ sản lượng mà khối liên minh dầu mỏ này cắt giảm trong đại dịch Covid-19 được khôi phục. Ngoài ra, OPEC+ sẽ “đánh giá sự phát triển của thị trường” vào tháng 12.

Thỏa thuận này kéo dài thời hạn giới hạn sản lượng từ tháng 4.2022 đến cuối năm 2022, điều khoản mà Ảrập Xêút tìm kiếm. Thỏa thuận cũng mang lại cho Ảrập Xêút, UAE, Iraq, Kuwait và Nga mức sản lượng cơ sở (baseline) cao hơn kể từ tháng 5.2022. Sản lượng cơ sở là căn cứ để xác định hạn ngạch sản lượng của mỗi nước thành viên trong OPEC+ khi khối điều chỉnh sản lượng.

Trước đó, mâu thuẫn giữa Ảrập Xêút và UAE về sản lượng cơ sở từng khiến kế hoạch nâng sản lượng của OPEC+ rơi vào bế tắc. So với trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, sản lượng khai thác dầu của OPEC+ hiện đang thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, bất đồng này cũng được xem là thách thức nghiêm trọng tới tình đoàn kết của liên minh.

Phát biểu từ London, nhà tư vấn năng lượng và dầu mỏ quốc tế, ông Manouchehr Takin, nói với Al Jazeera rằng, tranh chấp tạo ra nhiều bất ổn nhưng mọi thứ cuối cùng cũng có vẻ khả quan. “Các nước OPEC luôn đưa ra quyết định dựa trên kinh doanh và họ tiếp tục thực hiện điều đó lần này. Đến tháng 5.2022, họ sẽ điều chỉnh lại chi phí sản xuất và đi đến thống nhất. Các sửa đổi không có gì bất thường, nhưng lần này có vẻ như được thúc đẩy từ tranh chấp của UAE”, ông Takin nói.

OPEC dự kiến ​​nhu cầu dầu ở các nước công nghiệp phát triển sẽ tăng 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021, tăng 6,3%. Hơn một nửa mức tăng trưởng đó sẽ đến từ Mỹ, ở mức 1,5 triệu thùng/ngày. Còn trong dự báo đầu tiên vào năm 2022 cho thị trường dầu toàn cầu, OPEC tuần trước cho biết họ dự kiến ​​nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng 3,3 triệu thùng ngày lên mức trung bình 99,9 triệu thùng/ngày trong năm tới. Đó là về mức độ nhu cầu trước đại dịch.

Theo giới quan sát, thỏa thuận vừa đạt được có thể thiết lập lại uy tín của OPEC+ trên thị trường, báo hiệu một cách tiếp cận kỷ luật hơn. Trong suốt nhiều năm, khối này luôn dao động giữa lạc quan và bi quan về khả năng tăng trưởng nhu cầu.

Tranh chấp giữa Ảrập Xêút và UAE

Sau khi tăng 45% trong nửa đầu năm 2021, giá dầu thế giới biến động mạnh trong tháng 7 này. Tranh cãi trong OPEC+ khiến các nhà đầu tư hoang mang về kế hoạch sản lượng của khối, trong khi biến chủng Delta phủ bóng lên thị trường. Giữa lúc đó, lượng dầu tồn kho trên toàn cầu tiếp tục giảm xuống và một số tổ chức dự báo gồm Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng nguồn cung dầu cần tăng lên để bù đắp sự thiếu hụt.

Trong khi OPEC+ dần dần tăng sản lượng kể từ tháng 5, Abu Dhabi đã phản đối đề xuất của Ảrập Xêút về việc kéo dài giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Trong một thách thức hiếm hoi đối với Riyadh, UAE tuyên bố thỏa thuận được đề xuất hồi đầu tháng 5 là “không công bằng”, dẫn đến bế tắc khiến thị trường dầu sôi sục.

Cuộc tranh cãi công khai bất thường dường như nhấn mạnh tính cạnh tranh đang nổi lên giữa các đồng minh lâu năm ở vùng Vịnh, khi cả hai đều tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình trong bối cảnh chuyển hướng dài hạn khỏi ngành dầu khí. Cả hai quốc gia đều cho thấy mong muốn trở thành trung tâm kinh doanh trên thực tế trong khu vực.

UAE hy vọng, bằng cách tăng sản lượng trong ngắn hạn, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, họ có thể tăng doanh thu cần thiết để hỗ trợ các kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Ngược lại, Ảrập Xêút cảnh báo, mức tăng quá lớn có thể gây áp lực giảm giá, kìm hãm đầu tư, đồng thời dẫn đến nhiều vấn đề về nguồn cung sau này.

Để khắc phục bất đồng, OPEC+ đồng ý về hạn ngạch sản lượng mới, như đã đề cập ở trên, cho một số thành viên từ tháng 5.2022, bao gồm UAE, Ảrập Xêút, Nga, Kuwait và Iraq. Theo tính toán của Hãng tin Reuters, sự điều chỉnh tổng thể sẽ bổ sung 1,63 triệu thùng/ngày vào nguồn cung từ tháng 5 năm sau. Sản lượng cơ sở của UAE sẽ tăng lên 3,5 triệu thùng/ngày từ tháng 5.2022 từ mức 3,168 triệu ngày hôm nay. Trong khi đó, sản lượng cơ sở của Ảrập Xêút và Nga sẽ tăng lên 11,5 triệu thùng/ngày so với mức 11 triệu hiện tại.

Ngọc Minh