Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

- Thứ Hai, 14/10/2019, 08:07 - Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) khẳng định: “Triển khai tín dụng chính sách của hệ thống ngân hàng nói chung và tín dụng chính sách của NHCSXH nói riêng đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tín dụng chính sách là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, có hiệu quả đối với cộng đồng, đã thực sự đi vào cuộc sống và được nhân dân đồng tình ủng hộ”.

Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng nông nghiệp nông thôn. Theo báo cáo, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung nền kinh tế, riêng NHCSXH có tổng dư nợ chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, với 8,2 triệu món vay của gần 6,6 triệu khách hàng đang còn dư nợ.

Bước ra khỏi hoàn cảnh bế tắc, không lối thoát

Bà Nguyễn Thị Dung, một người làm nghề bán bánh giò tại xóm 15, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, Nam Định từng nuôi ba con ăn học, nuôi chồng tai biến bằng đồng vốn vay của NHCSXH. Trong lúc suy sụp cả tinh thần và thể chất vì những biến cố bất ngờ của gia đình, tài sản chỉ có một sào ruộng và một mảnh vườn nhỏ, con trai lớn muốn bỏ học để đỡ đần kinh tế giúp mẹ, giống như “người chết vớ được cọc”, bà Dung đã may mắn được bình xét vay 40 triệu đồng để con trai đầu tiếp tục học đại học. Nhờ đó, cháu tốt nghiệp, ra trường đi làm trả nợ và nuôi các em tiếp tục giấc mơ đèn sách, vươn lên thoát nghèo, chăm sóc sức khỏe cho bố. Tiếp đó, bà Dung còn được vay thêm 30 triệu đồng để mua dụng cụ và nguyên liệu làm bánh giò, nhờ chịu khó mở rộng sản xuất, chắt chiu từng đồng tiền kiếm được, đến nay, bà đã hoàn trả xong nợ cho NHCSXH, đồng thời tích lũy thêm được một khoản vốn để tiếp tục mở rộng cơ sở làm bánh của mình.


Mô hình ngân hàng lưu động của Agribank Ninh Bình đến các vùng sâu, vùng xa của tỉnh
Ảnh: H. Yến

Chị Huỳnh Thị Ngọc Giàu, phường Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương có chồng lâm bệnh nặng, trong khi phải nuôi con cái ăn học và ngôi nhà dột nát luôn có nguy cơ bị đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Dù đã đi làm thuê làm mướn tất cả những công việc vặt để mưu sinh, chèo chống gia đình, nhưng chị Giàu vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Trong lúc rơi vào tuyệt vọng tưởng chừng không thể vượt qua, chị đã nhận được nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo là 50 triệu đồng. Nhờ đó, chị đã đi học lớp nấu ăn nâng cao, dùng tiền vốn vay sắm sửa bàn ghế, kệ bếp, đồ dùng nấu ăn để mở quán bán đồ ăn sáng như hủ tiếu, mì, bánh canh, bún mọc… và nhận làm thêm công việc lao công cho trường học. Đến nay, gia đình chị đã được chính quyền xác nhận hộ thoát nghèo, bởi sau khi trả nợ vốn vay, chị mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy và đồ dùng gia đình, cải thiện sức khỏe cho các thành viên gia đình. Chị luôn nghẹn ngào, xúc động mỗi khi nhắc đến những ngày tháng được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con lối xóm đã hết lòng giúp đỡ để vươn lên trong cuộc sống.

Là một người khuyết tật, anh Nguyễn Như Thuận, thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội bị teo toàn bộ khớp một bên hông, gối cùng cổ chân bên phải. Tuy có nghề sửa chữa điện tử nhưng cái khó bó cái khôn, nhiều khi anh cảm thấy bế tắc, không tìm được lối ra cho cuộc sống của mình để có nguồn thu nhập ổn định. Thiếu vốn, anh còn từng phải đi vay tín dụng đen để làm ăn. May mắn, năm 2011, anh được vay ưu đãi nhiều đợt để đầu tư, nâng cấp cửa hàng sửa chữa điện tử của mình, đồng thời mua sắm các loại dụng cụ và máy móc hiện đại hơn như máy cuốn biến áp, máy chẩn đoán hỏng hóc cho ti vi… Do được đầu tư kịp thời, cửa hàng sửa chữa, mua bán điện tử dân dụng của anh ngày càng đông khách, chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn, nhanh hơn, được tin tưởng, yêu mến. Nhờ đó, thu nhập của anh ngày càng ổn định, mỗi năm đạt từ 150 đến 200 triệu đồng, anh trả hết nợ tín dụng đen cũng như tín dụng chính sách và bắt đầu tích lũy làm giàu, gia đình cũng thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã.

Không chỉ thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho người khác, đó là trường hợp của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quý (huyện Tiền Hải, Thái Bình). Từ hai bàn tay trắng, được vay 50 triệu đồng nguồn vốn chính sách, anh đã mở cơ sở sản xuất gạch không nung, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát triển chăn nuôi với hơn 100 con ngan, anh tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày…

Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước

Đó là những ví dụ điển hình. Thực tế là, khắp nơi trong cả nước đã có hàng triệu trường hợp thoát nghèo như thế từ đồng vốn hỗ trợ của ngành ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên tập trung đầu tư vốn tín dụng. Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn cho lĩnh vực này; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1% - 2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân.

Trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này như: Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; và mới đây nhất NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều cơ chế, chính sách đột phá như nâng gấp đôi mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình (đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cư trú ngoài khu vực nông thôn từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng).

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, cà phê: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản... NHNN cũng đã chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của NHCSXH, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Về mạng lưới, nếu như trước đây chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho vay lĩnh vực này thì hiện nay các Ngân hàng thương mại, hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và NHCSXH tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn; với mô hình ngân hàng lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản tại 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cho đại đa số bộ phận người dân.

Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung nền kinh tế. Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn năm 2014 tăng 10,8%, năm 2015 tăng 13,34%, năm 2016 tăng 18,09%, năm 2017 tăng 25,5%, năm 2018 tăng 21,4%. Đến cuối tháng 6/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng gần 6%, chiếm tỷ trọng khoảng 25% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

NHCSXH hiện nay cũng đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có trên 85% dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo báo cáo của NHCSXH, đến 31/8/2019, NHCSXH đang quản lý các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, với 8,2 triệu món vay của gần 6,6 triệu khách hàng đang còn dư nợ.

Kết quả đầu tư tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, qua đó đóng góp tạo ra mức tăng GDP của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (năm 2018 tăng 3,76%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018).

Thúy Lan