Phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam

Thời cơ và thách thức

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 19:05 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, “điện rác” đang là giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác thải hiện nay. Với lượng rác khổng lồ mỗi năm, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được nguồn phế thải này để phát triển điện rác, vừa góp phần tăng nguồn điện cho hệ thống, vừa giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, muốn điện rác phát triển cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải rắn.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như: Nhật Bản, EU,… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa cung cấp năng lượng cho xã hội.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng (nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn) đang khẩn trương hoàn thành để sớm đưa vào vận hành. Ảnh: TTXVN

Một số dự án nhà máy điện rác đã được khởi công xây dựng ở nhiều tỉnh thành như, dự án tại nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Khu xử lý rác Tây Bắc xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, có công suất xử lý đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày đêm; điện rác Vĩnh Tân (Đồng Nai) có công suất xử lý 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30MW; nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội có công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW; Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ công suất 500 tấn/ngày; hai Nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh công suất mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày…

Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng, doanh nghiệp cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách. Quy định tiếp cận với dự án đốt phát điện còn gặp nhiều trở ngại. Riêng việc đưa vào quy hoạch tham mưu điện lưới quốc gia thì cần tham mưu ý kiến của nhiều cơ quan trong thời gian dài. Để đưa ra một đàm phán, có hợp đồng và xác định giá trị đầu tư để xử lý rác là vấn đề lớn bởi hiện nay vẫn chưa có định giá về công nghệ xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho biết, hiện nay, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định phải biến rác thành tài nguyên nhưng thực tế việc triển khai được các dự án điện rác ở các đô thị hiện nay đang còn rất ít. Nhiều nhà máy điện rác hiện hữu lại đang sử dụng công nghệ cũ, dẫn đến khi xử lý rác sẽ tạo ra những hệ lụy về môi trường từ đó tác động tới sức khỏe của người dân.

Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề cập sâu đến việc phát triển năng lượng điện rác ưu tiên áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, nhưng các địa phương còn khá “thận trọng” do công nghệ mới mà không có tiêu chí cụ thể, chưa được Bộ ngành hướng dẫn thì địa phương không dám đi tiên phong áp dụng. Bên cạnh đó, cơ chế chưa minh bạch, chưa có sự đồng hành của Bộ, ngành chính quyền khi trong quá trình nhà đầu tư tìm hiểu một dự án điện rác.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, nhà nước cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị. Ngoài ra cũng cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, doanh nghiệp. Kêu gọi đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và đồng thời cũng nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư tại nơi doanh nghiệp hoạt động, để cộng đồng sẽ là người giám sát hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương.

Xuân Tùng