Thời của phim 3D đã bắt đầu

- Thứ Ba, 19/10/2010, 00:00 - Chia sẻ
Đó là khẳng định của nhà quay phim nổi tiếng người Mỹ Barry Braverman trong cuộc hội thảo Công nghệ làm phim 3D vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ LHP Quốc tế VN lần thứ I (VNIFF), do nhà sản xuất camera truyền hình chuyên dụng Panasonic Systems Asia Pacific tổ chức.

Kỹ thuật làm phim 3D đã được nhà làm phim người Anh William Friese-Greene khám phá từ năm 1890. Ở thời kỳ đầu, kỹ thuật này còn sơ khai. Người xem phải đeo cặp kính tròng để xem phim và đa số đều không cảm thấy thoải mái với cách thưởng thức nghệ thuật này. Vì thế, phim 3D chưa đủ sức chinh phục được khán giả. Chỉ đến khi bộ phim Beowulf với phiên bản 3D ra đời năm 2007 cùng với sự xuất hiện của những cặp kính đặc biệt có thể giúp người xem thoải mái khi hưởng thụ không gian 3 chiều sống động thì sức quyến rũ của phim 3D mới thực sự được khẳng định. Lúc bấy giờ, các phòng chiếu Beowulf phiên bản 3D mới chỉ chiếm tỷ lệ 20%, nhưng doanh thu lại lên tới 40% và vé được bán hết sạch. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của khán giả với phim 3D so với phim 2D truyền thống. Đặc biệt, cuối năm 2009, siêu phẩm 3D Avatar của đạo diễn James Cameron ra đời đã tạo lên một bước ngoặt mới không chỉ đối với Hollywood nói riêng mà còn đối với cả nền điện ảnh thế giới nói chung khi mang về doanh thu hơn 1 tỷ USD trên toàn thế giới và trở thành “bộ phim lớn nhất mọi thời đại”.

Sự thành công của bộ phim này được giới chuyên môn coi là mốc khởi đầu chính thức của thời đại phim 3D. Là một công nghệ nghe nhìn kỹ thuật cao, phim 3D cho người xem thấy những hiệu ứng hình ảnh tuyệt vời, như hiện thực đang diễn ra, tạo nên cảm xúc cho khán giả như đang tham dự vào mỗi chuyển động, mỗi tình tiết của tác phẩm điện ảnh. Vì ưu điểm vượt trội đó mà chỉ sau một thời gian ngắn, làn sóng phim 3D đã nổi nên mạnh mẽ trên khắp thế giới. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, cả thế giới đã có tới 7.000 phòng chiếu 3D khai trương, chưa kể sẽ có 9.000 phòng chiếu khánh thành vào năm 2011. Kênh Discovery cũng đang lên kế hoạch hợp tác với Sony và Imax để phát sóng chương trình truyền hình 3D đầu tiên vào năm 2011. Kỹ thuật 3D còn được ứng dụng trong điện thoại di động, game, máy ảnh, máy quay, đầu đĩa, máy tính xách tay... Dự đoán đến năm 2018, số đầu sản phẩm sử dụng công nghệ 3D sẽ tăng từ 0,7 triệu lên 196 triệu và thị trường 3D sẽ có doanh thu 22 tỷ USD.

Có thể nói, chính từ bộ phim "bom tấn" Avatar và sự xuất hiện của DVD, TV 3D trong gần một năm trở lại đây mà đông đảo khán giả Việt Nam mới thực sự được tiếp cận với công nghệ 3D. Thời gian qua, ở Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của các phòng chiếu 3D. Các đạo diễn điện ảnh Việt Nam cũng đã ngay lập tức bị cuốn hút vào làn sóng mang tên “3D”. Một số đạo diễn, nhà quay phim đã khăn gói ra nước ngoài tham gia các khóa học làm phim 3D và tìm kiếm cơ hội để tiếp cận với công nghệ làm phim hiện đại này.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là giới điện ảnh Việt Nam đã tiếp cận được với công nghệ làm phim 3D. Với nhiều đạo diễn, nhiều nhà quay phim Việt Nam, cách làm phim hiện đại này còn khá xa lạ và mới mẻ. Vì vậy, việc một hội thảo chuyên đề về công nghệ làm phim 3D được tổ chức ngay tại Hà Nội trong khuôn khổ Liên Hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất với sự tham gia của các chuyên gia nổi tiếng nước ngoài là cơ hội tốt đối với giới điện ảnh nước nhà. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của không chỉ các đạo diễn, các nhà quay phim đang hành nghề, các nhà đầu tư điện ảnh mà còn cả các cán bộ giảng dạy, các sinh viên của trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tại cuộc hội thảo, Nhà quay phim Barry Braverman - một chuyên gia về Digital Media có hơn 30 năm kinh nghiệm làm phim cho rất nhiều kênh truyền hình nổi tiếng như National Geographic, ABC News, HBO, Discovery và History Channels… đã giới thiệu chi tiết quy trình làm phim 3D, cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về kỹ thuật này cho các nhà làm phim và những người yêu điện ảnh Việt Nam.

Theo nhận định của Barry Braverman, kỹ thuật 3D sẽ thay thế 2D thành chuẩn chính đối với phim ảnh, truyền hình và nội dung số trên mạng trong chưa đầy 25 năm nữa. Người xem sẽ sớm được thưởng thức kỹ thuật này không chỉ ở các rạp chiếu phim 3D mà ở tất cả các loại hình giải trí khác như các chương trình thể thao, ca nhạc trên tivi và máy tính xách tay... Thông qua cuộc hội thảo, Barry bày tỏ mong muốn đưa công nghệ 3D đến gần hơn với các nhà làm phim Việt Nam bởi đây đang là xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, một vấn đề mà ông nhận thấy rõ là độ phức tạp của kỹ thuật và chi phí  khá cao khi làm 3D hiện nay đang là trở ngại đối với đa số các nhà làm phim và các nhà sản xuất phim Việt Nam. Nhưng ông cũng cho rằng, nếu các nhà làm phim Việt Nam biết tiếp thu các kinh nghiệm từ thế giới một cách bài bản, biết đầu tư đúng tầm thì sẽ sớm làm chủ được công nghệ và thành công trong lĩnh vực này.

Liên Nhi