Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật

Bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật

- Thứ Hai, 01/04/2024, 19:34 - Chia sẻ

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của dự án Luật cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương nêu rõ, tại các Nghị quyết, Kết luận trên của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề ra chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động của khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Phòng không nhân dân là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương. Thế trận phòng không nhân dân là một bộ phận cấu thành, không tách rời trong khu vực phòng thủ. Hoạt động tác chiến phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta; ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường.

Do đó, việc thực hiện đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong các Nghị quyết, Kết luận trên là trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động phòng không nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết, có nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể có quy định liên quan đến hoạt động phòng không nhân dân, nhưng các văn bản này chỉ mới quy định những vấn đề khung mang tính nguyên tắc liên quan đến hoạt động phòng không nhân dân mà chưa gắn chặt, sát với nhiệm vụ phòng không nhân dân nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân.

Về bố cục, dự thảo Luật gồm 8 chương với 55 điều. Nội dung dự thảo Luật tập trung vào 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2.6.2023, gồm: chính sách 1: Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; chính sách 2: Huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; chính sách 3: Quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; chính sách 4: Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; chính sách 5: Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng không nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng việc ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; khẳng định vai trò quan trọng của phòng không nhân dân trong phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp trong đó có quy định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; kế thừa các quy định về tổ chức phòng không nhân dân trong Luật Quốc phòng năm 2005 và cụ thể hóa Luật Quốc phòng năm 2018 về “Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước”, trong đó phòng không nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm cho phòng thủ Quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc.

Về hồ sơ dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều tài liệu chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện một số tài liệu, như: bổ sung nội dung báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng không nhân dân bảo đảm đầy đủ nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết tại dự thảo Luật; nghiên cứu cụ thể hóa tối đa tại Luật những nội dung đã rõ, đã được kiểm nghiệm và thực hiện ổn định, hiệu quả trên thực tế, phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, bổ sung nội dung kinh nghiệm quốc tế về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Rà soát, tránh quy định lại những nội dung đã quy định trong các Luật khác 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự án Luật Phòng không nhân dân và quá trình thẩm tra dự án luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, bảo đảm chất lượng của dự án luật.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nhận thấy, dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở luật hóa quy định trong văn bản của Chính phủ, trong đó có Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phòng không nhân dân; Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ… Các văn bản này đã được thực hiện rất lâu và đã có tổng kết thi hành, do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc cần phải luật hóa các quy định về phòng không nhân dân trong các văn bản này.

Tuy nhiên, dự án Luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành như: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… Nêu vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các nội dung dự thảo luật nhằm bảo đảm tính thống nhất.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhất trí rằng nên hủy bỏ các nội dung liên quan tới tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ được quy định trong Luật Hàng không dân dụng để quy định ngay trong dự thảo luật này, song cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm tính tương thích giữa dự thảo luật với các luật khác.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát nhằm thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, rà soát để bảo đảm phù hợp, tương thích với các điều ước, cam kết quốc tế; rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của dự án luật, không gây chồng chéo đối với các lĩnh vực khác, các luật khác; rà soát, đánh giá kỹ tác động của từng chính sách, điều khoản trong luật để bảo đảm hiệu quả, khả thi; cụ thể hóa tối đa trong dự thảo luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các bộ quy định chi tiết…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân, cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy phòng không nhân dân; nghiên cứu hoàn thiện quy định về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đăng ký cấp phép bay, điều kiện đối với khai thác, sử dụng; gắn kết, hài hòa giữa bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Chi
#