Thông điệp qua lời chào tạm biệt

- Thứ Tư, 06/10/2021, 06:50 - Chia sẻ
Vào Chủ nhật tuần này, bà Angela Merkel dự kiến sẽ có chuyến thăm Israel, chỉ một tuần trước khi rời vị trí Thủ tướng Đức sau 16 năm cầm quyền. Chuyến đi là cơ hội để bà nói lời chào tạm biệt quan trọng, thể hiện sự trân trọng đặc biệt của quốc gia hàng đầu châu Âu trong mối quan hệ với nhà nước Do Thái.
	Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay ông Naftali Bennett ( khi đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Israel là) tại buổi lễ mà bà nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Haifa tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem vào ngày 4.10.2018 Nguồn: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay ông Naftali Bennett ( khi đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Israel là) tại buổi lễ mà bà nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Haifa tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem vào ngày 4.10.2018
Nguồn: AFP

Tình bạn đặc biệt

Trong suốt thời gian cầm quyền, bà Angela Merkel luôn mô tả an ninh quốc gia của Israel là ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đức do trách nhiệm lịch sử của nước này đối với vụ thảm sát người Do Thái Holocaust trước đây. Tội ác trên do Đức Quốc xã tiến hành vào giai đoạn 1941-1945, khiến khoảng 11 triệu người tử vong, trong đó có 6 triệu người Do Thái.

Hồi tháng 6, khi gửi lời chúc mừng Chính phủ mới của Israel, bà nhấn mạnh, Đức và Israel “được kết nối bởi tình bạn độc đáo mà chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa”. Năm 2008, nữ lãnh đạo Đức từng phát biểu đầy xúc động trước Knesset (Quốc hội Israel) rằng, “thảm sát Holocaust khiến chúng tôi phải hổ thẹn”, “tôi xin cúi đầu trước những người sống sót, và tôi cúi đầu trước các bạn để tỏ lòng thành trước thực tế là các bạn đã có thể sống sót”.

Bản thân Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong chuyến thăm Israel vào cuối tháng 6 vừa qua cũng khẳng định sự ủng hộ đối với Israel, đồng thời cam kết tiếp tục đấu tranh chống lại chủ nghĩa bài Do Thái ở Đức.

Theo lịch trình, bà Merkel sẽ gặp Tổng thống Isaac Herzog, Thủ tướng Naftali Bennett, Bộ trưởng Ngoại giao Yair Lapid, và tham gia cuộc họp Nội các tại Jerusalem. Đáng chú ý, dự kiến bà Merkel và ông Bennett ​​đến thăm Yad Vashem - khu tưởng niệm các nạn nhân Holocaust, rộng 18ha ở Jerusalem. Ngoài ra, bà sẽ được trao bằng tiến sĩ danh dự của Học viện Công nghệ Technion-Israel và tham gia hội nghị bàn tròn tại Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia ở Tel Aviv.

Lời nhắn gửi các thế hệ lãnh đạo tương lai

Theo Reuters, trước đó, Thủ tướng Đức Merkel đã hủy chuyến thăm tới Israel dự kiến vào ngày 28 - 30.8, do tình hình căng thẳng tại Afghanistan, trong bối cảnh Mỹ, Đức và các nước khác sơ tán nhân viên trước khi rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan theo thời hạn chót ngày 31.8. Bà từng thăm Israel vài lần trước đây, trong đó lần gần nhất là vào năm 2018. Theo tờ Bưu điện Jerusalem, nữ lãnh đạo Đức khi ấy khẳng định cam kết thực hiện “trách nhiệm đời đời” đối với Israel “bởi những tội ác Holocaust” mà Đức Quốc xã gây ra.

Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng, khi ký ức về thảm sát Holocaust mờ dần và thế hệ nghị sĩ trẻ ở Đức trở thành các nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Âu trong 10 hay 20 năm nữa, cam kết trách nhiệm của họ với Israel về vụ Holocaust và đối với an ninh của Israel có thể sẽ ít hơn đáng kể so với thế hệ của bà Merkel. Chính vì vậy, chuyến thăm Israel Chủ nhật tuần này của bà có ý nghĩa rất quan trọng, ẩn chứa thông điệp đầy thâm thúy gửi tới họ. Đó là nước Đức vẫn nên coi những cam kết với Israel là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của mình với quốc gia Do Thái.

Không chỉ những người gốc Do Thái ở Đức mà ở cả châu Âu đều cảm thấy buồn khi bà rời nhiệm sở. Theo ông Josef Schuster, Chủ tịch Hội đồng Trung ương của người Do Thái ở Đức, bà luôn được họ coi là “đối tác đáng tin cậy cho cộng đồng Do Thái”, cũng như là người chiến đấu cho chính nghĩa Do Thái. Trong nhiệm kỳ của bà, các chính quyền liên bang và tiểu bang của Đức đều đã bổ nhiệm các đặc phái viên để giám sát và chống lại sự thù hận đối với người Do Thái. Và năm nay, với sự hợp tác của các cộng đồng người Đức địa phương, Chính phủ của bà phát động một loạt các sự kiện trên khắp đất nước kỷ niệm 1700 năm sự hiện diện của người Do Thái ở nước này…

Bà Charlotte Knobloch, một người sống sót sau thảm họa Holocaust, người đứng đầu cộng đồng Do Thái ở Munich, buồn bã: “Tôi vô cùng tiếc khi thấy Thủ tướng Angela Merkel rời sân khấu chính trị”.

Sau cuộc bầu cử hồi tháng 9, tờ The New York Times cho hay, khoảng 1/3 trong số 735 thành viên mới được bầu vào Quốc hội Đức là những người sinh sau năm 1981, điều đó thể hiện sự thay đổi thế hệ trong cơ quan lập pháp, thậm chí trong tương lai sẽ là thế hệ lãnh đạo của quốc gia châu Âu. Đảng Dân chủ Xã hội Đức đã giành chiến thắng sít sao, vượt lên liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel trong cuộc bầu cử quốc gia ngày 26.9 vừa qua và đang cố gắng thuyết phục một số đảng phái để thành lập liên minh cầm quyền.

Bà Merkel, vốn giữ chức Thủ tướng kể từ năm 2005, có kế hoạch rời nhiệm sở ngay sau khi Chính phủ mới được thành lập. Trong khi đó, theo thông lệ ở Đức, Chính phủ sắp mãn nhiệm thường giữ chức vụ cho đến khi Chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức và việc thành lập liên minh cầm quyền có thể là quá trình tốn nhiều thời gian. Dự kiến, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội, Phó Thủ tướng Olaf Scholz, sẽ là Thủ tướng tiếp theo.

Linh Anh