Thông đường cho nhu yếu phẩm

- Thứ Năm, 22/07/2021, 05:18 - Chia sẻ
Mặc dù nhiều giải pháp bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu được các bộ, ngành đưa ra trong bối cảnh 19 tỉnh phía Nam phải giãn cách xã hội nhưng thực tế trong lúc TP. Hồ Chí Minh đang thiếu hụt hàng hóa, thực phẩm, rau củ quả, trái cây, thì nhiều địa phương khác lại phải bỏ mặc hàng tấn cây trái, rau củ vì không tiêu thụ được. Người có thì không thể bán, người mua thì không có để mua dù từ điểm sản xuất đến nơi có nhu cầu tiêu thụ chỉ vài trăm cây số.

4.800 tấn nhãn ở Châu Thành (Đồng Tháp) đến kỳ thu hoạch nhưng khó bán, 5.000 - 6.000 đồng không ai mua, trái bắt đầu bị hỏng khiến nhiều chủ vườn lo sẽ thua lỗ nặng. Nông dân Gò Công (Tiền Giang) cũng đứng ngồi không yên bởi giá hành lá tại vườn rớt xuống chỉ 5.000 đồng/kg, cải xanh đã tới ngày thu hoạch chỉ 2.000 đồng/kg… nhưng không có thương lái nào đến mua. Dứa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chín đầy ruộng thu hoạch cũng không biết bán cho ai. Thậm chí, lợn ở Đồng Nai cũng không xuất được ra khỏi chuồng.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh đang thiếu hụt nguồn cung rau củ, quả với sản lượng khoảng 1.000 - 1.500 tấn và khoảng 300.000 - 400.000 quả trứng gia cầm mỗi ngày. Thị trường với hơn 10 triệu cư dân, tiêu thụ hơn 10.000 tấn lương thực và thực phẩm tươi sống mỗi ngày, cùng hàng triệu nhân công tham gia vào chuỗi cung ứng đột ngột mất nguồn cung cấp khi các chợ truyền thống bị đóng cửa. Giá thực phẩm tăng vọt theo từng giờ. Hành lá nhiều nơi đang bán với giá 50.000 - 80.000 đồng/kg, rau muống 40.000 đồng/kg, cải xanh 45.000 đồng/kg, dưa chuột 50.000 đồng/kg; gừng và sả 60.000 đồng/kg...

Chính vì sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, mà chủ yếu là "điểm nghẽn" trong khâu vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vấn đề nêu trên. Dù Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết sẽ không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thiết lập “luồng xanh” để nối các nơi sản xuất hàng hóa thực phẩm đến với nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, tại mỗi địa phương lại có những quy định riêng biệt, vênh nhau khiến xe chở hàng khó lưu thông, hàng hóa tắc nghẽn.

Nhiều thương lái “lực bất tòng tâm” khi các địa phương chống dịch “triệt để” đến mức không cho xe vào vận chuyển nông sản dù nông dân đã thu hoạch sẵn. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đã đưa ra nhiều quy định rất ngặt nghèo như thời gian xe lưu trú trên địa bàn, lái xe và phụ xe, bốc vác phải có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc khi vào địa bàn phải đổi lái xe của địa phương… Điều này đã gây ra tình trạng  đáng buồn khác, đó là “bán chui” rau ở nơi giãn cách chỉ vì hàng ở cửa ngõ thành phố nhưng không thể đến tay người tiêu dùng.

Rõ ràng, việc thông đường cho nhu yếu phẩm từ các tỉnh ngoài Nam bộ vào khu vực giãn cách, cũng như giữa các địa phương trong khu vực giãn cách, rất cần một giải pháp cụ thể và thiện chí. Để các “luồng xanh” thực sự “xanh”, các địa phương cần phối hợp, tìm ra những mô hình giao hàng thích hợp thời điểm giãn cách như mở bãi tập kết hàng hóa ở cửa ngõ các địa phương; xe chở các loại nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh phải được dán nhãn ưu tiên để qua chốt kiểm dịch nhanh nhất; thống nhất điều kiện về giấy xét nghiệm, cách ly...

Những trở ngại từ cung đường vận chuyển là có thật, dù nhiều bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn phát sinh vướng mắc khiến hàng hóa đứt đoạn bên này, vá bên kia. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp cụ thể để bảo đảm cho lưu thông nông sản được thuận lợi để hạn chế việc đứt gãy chuỗi cung - cầu cho các địa phương. Để cho người dân vùng giãn cách nơi thì không bán được nông sản, nơi thì thiếu thực phẩm là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương. Kinh nghiệm của Bắc Giang cho thấy, khi có các kịch bản cụ thể, vải thiều vẫn “được mùa, được giá” kể cả khi đang trong thời điểm là tâm dịch.

Duy Anh