Thống nhất các quy định phòng dịch

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 07:58 - Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhằm bảo đảm đủ nguồn lực duy trì “cuộc chiến”, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thống nhất trong các quy định, yêu cầu phòng dịch giữa các địa phương. Bởi, nếu thiếu sự nhất quán thì chỉ đạt được mục tiêu chống dịch mà chưa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.

Rối với quy định chống dịch

Qua nắm bắt những khó khăn của tài xế, doanh nghiệp khi đi qua những vùng có dịch, từ cuối tháng 5.2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn quy trình vận tải hàng hóa đến vùng dịch và vùng an toàn; đồng thời rà soát các văn bản của các địa phương, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để tháo gỡ.

Hiện nước ta đang phải ứng phó với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào tháng 1.2020. Đây cũng là đợt dịch lây lan nhanh, rộng và nguy hiểm nhất từ trước tới nay với số lượng ca mắc mới gấp gần 4 lần cả 3 đợt dịch trước đó cộng lại. Tuy vậy, với việc triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ và đúng đắn, Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá là một hình mẫu chống dịch khi số ca mắc mới ngày càng giảm; cùng với đó vẫn bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này không thể không kể đến nỗ lực của các địa phương trong việc nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, kiểm soát tốt nguồn lây.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào, kể cả vùng có dịch và không có dịch cũng giữ vững được tâm lý “bình tĩnh, không hoang mang”, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, để phòng chống dịch, nhiều địa phương ban hành quy định hạn chế người từ nơi khác tới, kèm theo các điều kiện khác nhau, mỗi nơi một kiểu, gây không ít khó khăn cho hoạt động đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Đơn cử, trong đợt dịch đầu năm, khi Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hải Phòng đã yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ Hải Dương; công dân của Hải Dương cố tình vào Hải Phòng, nếu bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly y tế tập trung và phải trả phí… Những động thái này đã khiến người dân, doanh nghiệp ở Hải Dương bị ảnh hưởng rất lớn khi hơn 4.000ha rau vụ đông với sản lượng gần 91.000 tấn đến kỳ thu hoạch đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được. Các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu có điểm xuất phát từ Hải Dương bị dừng ách tại các điểm kiểm soát giáp ranh giữa hai địa phương.

Tại TP Hồ Chí Minh, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức Nguyễn Nhu cho hay, khoảng 50% lượng hàng tại chợ hiện nay là từ các tỉnh phía Bắc, Lâm Đồng nên muốn nhập hàng buộc phải đi ngang Đồng Nai; còn hàng hóa từ miền Tây phải đi qua Long An. Tuy nhiên, những ngày qua nhiều chuyến hàng đã gặp khó khi đi qua Đồng Nai và Long An do các quy định phòng chống dịch tại đây, khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng. Tương tự, theo giám đốc mua vào hệ thống Bách Hóa Xanh Nguyễn Thị Ngọc Thương, hiện đơn vị phải tập trung phối hợp và hướng dẫn 100% nhà cung cấp chuẩn bị đủ giấy tờ theo yêu cầu của Đồng Nai và Long An để được lưu thông. Tuy nhiên, theo bà Thương, nguồn hàng nhiều thời điểm thiếu ổn định vì nhà cung cấp chưa sẵn sàng, lo lắng không đáp ứng quy định phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến các mặt hàng như rau bị giảm chất lượng, hụt hàng.

Cần có sự thống nhất trong các quy định, yêu cầu phòng dịch giữa các địa phương

 Nguồn: ITN

Cần quy định nhất quán  

Các đợt dịch liên tiếp bùng phát trong thời gian qua khiến hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách liên tục bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua, để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhằm bảo đảm đủ nguồn lực duy trì “cuộc chiến”, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thống nhất trong các quy định, yêu cầu phòng dịch giữa các địa phương. Bởi, nếu thiếu sự nhất quán thì chỉ đạt được mục tiêu chống dịch, mà không đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, trước thực tế nhiều địa phương không linh động, cách hiểu quy định cũng khác nhau về quy định hạn chế người từ nơi khác tới, kèm theo các điều kiện khác nhau khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, Hiệp hội đã kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, các cơ quan quản lý thống nhất các giấy tờ cần thiết đối với các tài xế doanh nghiệp sinh sống hoặc đi qua vùng có dịch. Theo đó, ở những đầu mối giao thông lớn như ở Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… cơ quan y tế nên tổ chức những điểm để lấy mẫu và ưu tiên trả kết quả sớm, thay vì yêu cầu quay về địa phương thực hiện, gây mất thời gian, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.

Để phòng chống dịch cần sự chung tay của tất cả cộng đồng, song theo các chuyên gia, để đạt hiệu quả, từ Trung ương đến địa phương cần rõ bàn tay nhạc trưởng, thêm đường dây nóng, đề ra các tiêu chí rõ ràng, để cả lực lượng chức năng và người dân có thể tham khảo, cũng như có căn cứ đưa ra các quyết định thống nhất, đúng đắn, phù hợp. Đây là giải pháp quan trọng để thực hiện “mục tiêu kép” cũng như giúp tránh các biện pháp thái quá, đến khi gỡ bỏ lại gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Hiểu Lam