Nhịp cầu

Thống nhất quản lý vận hành các công trình điện - nước sạch

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:31 - Chia sẻ

Kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng về việc triển khai, đầu tư điện lưới nông thôn và nước sinh hoạt vùng đặc biệt khó khăn tại huyện Quảng Hòa vừa qua cho thấy: Toàn huyện hiện có 237 trạm biến áp, 134 trạm biến áp trên địa bàn nông thôn. 8 công trình được đầu tư bằng nguồn vốn của ngành điện, tổng trị giá 25,8 tỷ đồng, 9 công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trị giá 18,421 tỷ đồng... Đến nay, có 99,68% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, các xã cơ bản đạt tiêu chí thứ 4 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện đầu tư nước sinh hoạt vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quảng Hòa có 180 công trình nước sinh hoạt tập trung, có 37 công trình nước sử dụng 2 loại bơm dẫn, 143 công trình nước tự chảy, với tổng số 15.517 hộ được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh, trong đó, có 4.849 hộ nghèo. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện được đầu tư 26 công trình nước sinh hoạt tập trung, với 1.744 hộ hưởng lợi, tổng mức đầu tư 34 tỷ 442 triệu đồng… Đến nay, trên 96% hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, các công trình tập trung cơ bản đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, có một số công trình đã hỏng cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa như: Công trình cấp nước sinh hoạt xóm Cáp Tao, xã Phi Hải; Thang Lũng - Lũng Vài, xã Tự Do.

Tại buổi làm việc, UBND huyện kiến nghị tỉnh bố trí vốn cải tạo nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp nông thôn; đầu tư bổ sung 2 trạm biến áp tại các xã: Hạnh Phúc, Chí Thảo; đường dây 0,4kV tại các xã Chí Thảo, Hồng Quang, Phi Hải; nâng cấp một số trạm biến áp phụ tải còn thấp, không bảo đảm cung cấp điện vào giờ cao điểm. Quy hoạch lưới điện mặt trời, phát triển dự án điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân nhỏ lẻ, các hộ có đường giao thông đi lại khó khăn.
Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững; nâng định mức hỗ trợ nước phân tán lên 3 - 5 triệu đồng/hộ; bố trí kinh phí duy tu bảo dưỡng các công trình đã được đầu tư.

Cùng với những kiến nghị thiết thực trên, thực tế cũng đặt ra yêu cầu đối với huyện trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả việc đầu tư, xây dựng các công trình điện lưới, nước sạch nông thôn. Cụ thể, cần rà soát, quy hoạch lại lưới điện để đầu tư nâng cấp, sửa chữa; lưu ý việc xây dựng quy hoạch trạm biến áp, đường dây điện hợp lý, tránh ảnh hưởng đến đất canh tác của người dân. Xây dựng quy chế thống nhất quản lý vận hành các công trình điện - nước sạch; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.

LÊ TUYẾT