Quản lý tài nguyên nước

Thống nhất quy chế, tăng cường nhân lực

- Thứ Ba, 19/10/2021, 17:55 - Chia sẻ
Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất ngày một lớn trong khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày nay đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc khai thác, bảo vệ nguồn nước. Vì vậy, cần phải đổi mới và thiết lập cơ chế quản lý rõ ràng, tránh tình trạng không đồng nhất giữa các cấp và trong tiêu chí đánh giá.

Bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, đất, nước và không khí là 3 cụm thành tố cùng nhau cấu thành nên sự tồn tại. Trong đó, nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chia sẻ tại tọa đàm
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chia sẻ tại Tọa đàm Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch

Ngày 4.8.2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1383/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025. Từ kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, kiểm kê việc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước sẽ là cơ sở để đánh giá được tài nguyên nước hiện có bao nhiêu; phân bố, khai thác thế nào; những vấn đề bất cập đặt ra...

Có thể nói, việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước là bước đột phá, cơ sở để đánh giá lại việc khai thác và sử dụng nguồn nước sinh hoạt cho hiệu quả hơn. Song, việc đầu tư cho các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước cần triển khai ra sao để bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm, vừa khuyến khích được các thành phần của xã hội tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước sạch là vấn đề lớn cần giải quyết.

Để làm tốt điều này, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, đầu tiên là phải có chương trình đánh giá, điều tra cụ thể, xác định nước là yếu tố quan trọng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, phải điều tra về nguồn nước, chú ý đến vùng khô hạn, đặc trưng về khí hậu như Ninh Thuận, Bình Thuận; vùng đặc trưng về địa hình như Hà Giang, hay một số địa phương vùng cao, miền núi.

Thứ ba, khu vực Tây Nguyên hiện đang đối mặt với vấn đề về nguồn nước hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là tầng nước ngầm, do tác động của con người đến môi trường tự nhiên. Các vùng này cần được ưu tiên điều tra, đặc biệt là vùng gắn với đời sống người dân, nhu cầu sử dụng không chỉ là nước sinh hoạt. Đây chính là vấn đề cốt lõi, cần lưu ý những vùng trọng tâm, trọng điểm.

Thứ tư là cần có đánh giá hệ thống quan trắc đo lường chất lượng nước.

Về giải pháp, phải gắn với quy hoạch phát triển. Trước khi đưa ra quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp phải đánh giá rất kỹ về nguồn nước, trở thành chỉ tiêu cụ thể.

“Để thực hiện tốt việc điều tra, phải tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong khi đó, mình Ngân sách Nhà nước không thể bảo đảm được nên muốn có cơ sở dữ liệu tốt cần phải xã hội hoá, lượng hoá kinh tế các hoạt động trên nguyên tắc người nào dùng thì phải trả tiền” - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận định.

Bên cạnh đó, cần khép kín quản lý để có giải pháp tốt hơn. Tăng cường đầu tư trọng điểm trạm quan sát, trung tâm điều tra, nghiên cứu. Để triển khai thì cần đúng trọng điểm, đơn cử như việc cùng với hệ thống hồ treo, còn một giải pháp rất quan trọng là phục hồi rừng. Bài toán nước của Hà Giang chính là vấn đề về rừng mà người dân hoàn toàn tham gia được vào quá trình phục hồi. Tuy mật độ mỗi vùng mỗi khác nhưng vẫn có hệ thực vật tự nhiên, khi phục hồi lại, độ che phủ rừng nâng lên sẽ có tầng giữ nước. Và vấn đề cần lưu ý, quan trọng nhất là phải chú tâm vào bài toán kinh tế.

Xã hội hoá với sự tham gia của nhiều thành phần

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, vấn đề cung cấp nước của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã cải thiện rất nhiều, chuyển từ thiếu nước sang có nước, chuyển từ có nước sang nước sạch. Tuy nhiên, đối với khu vực đô thị có nhà máy nước lớn thì hệ thống nước được bảo đảm, song, nhiều vùng nông thôn vẫn sử dụng những thiết bị, hệ thống và nhà máy nước nhỏ. Đặc biệt, có nhiều khu vực miền núi mới chỉ chuyển từ hệ thống nước khe sang nước bể bằng hệ thống lọc rất sơ khai.

cần có đánh giá hệ thống quan trắc đo lường chất lượng nước
Cần có đánh giá hệ thống quan trắc đo lường chất lượng nước
Nguồn: ITN

Cùng với đó, dù người dân nhiều nơi đã có nước hợp vệ sinh, nước sạch để dùng, nhưng việc kiểm định chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương còn sơ sài, thiếu chế tài và các giải pháp đồng bộ, thường xuyên.

“Hiện nay, các đánh giá ở địa phương, bộ ngành vẫn không đồng nhất về chỉ số, chỉ tiêu đạt được. Liên quan đến quản lý nhà nước, chúng ta đang thiếu thống nhất về chỉ tiêu đánh giá mức độ, chất lượng nước phục vụ sinh hoạt người dân” - ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Theo đó, cần quy định cơ chế quản lý thế nào để tránh tình trạng mỗi ngành, mỗi địa phương quản lý “một khúc”; đánh giá từng cấp độ phải tương ứng với chỉ số cụ thể.

Bên cạnh nước sinh hoạt, vấn đề nhu cầu nước sản xuất trong xu hướng mới cũng cần có phương án phải giải quyết. Trong khi đó, vẫn đang thiếu nguồn lực cho vấn đề hệ thống trung tâm xử lý. Trên thực tế, khi xã hội phát triển, yêu cầu nước kiểm định sẽ nâng cao thì công tác kiểm định chất lượng nước tiến tới cũng sẽ trở thành nghề cần đào tạo bài bản để kinh tế hoá. Một vấn đề nữa là về công nghệ, cần có các nghiên cứu, cải tiến thiết bị.

“Giải quyết bài toán về quản lý Nhà nước cần phải xử lý tất cả các vấn đề nêu trên, bao gồm cả vấn đề cơ chế quản lý, thiết bị, nguồn nhân lực. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là xây dựng cơ chế quản lý thế nào để khuyến khích được xã hội hoá, nhiều thành phần tham gia” - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Hoàng Yến