Thống nhất quy định để tránh gây hiểu lầm

- Thứ Hai, 26/07/2021, 06:39 - Chia sẻ
Dự kiến chiều 27.7, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Cụm từ “công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh” trong dự thảo Nghị quyết cần được sửa lại cho nhất quán với quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và đặc biệt là tránh gây hiểu lầm rằng có 2 nền công nghiệp quốc phòng và nền công nghiệp an ninh độc lập.
Dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới của Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Nguồn: ITN
Dây chuyền sản xuất súng bộ binh thế hệ mới của Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Nguồn: ITN

Tại phần nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (kèm theo Tờ trình 242/TTr-CP của Chính phủ) nêu: “Tiếp tục xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại”.

Việc sử dụng cụm từ “công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh” ở đây cần được nghiên cứu kỹ, bởi lẽ xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật từng bước hiện đại”. Báo cáo chính trị tại Đại hội XI, XII của Đảng cùng nêu: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh;..”. Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghệ quốc gia”... Cùng với đó, Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ghi rõ: “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”.

Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Điều 68 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước… xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh;...”. Cụ thể hóa nội dung này, Luật Quốc phòng năm 2018 có Điều 12 quy định riêng về công nghiệp quốc phòng, an ninh. Theo đó, “công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh, là ngành đặc thù, có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, vật tư, thiết bị kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trên thực tế, xuất phát từ đặc thù trong quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng như để tạo thuận lợi trong quản lý, xây dựng nên vẫn có sự tách bạch về tổ chức ngành giữa lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh. Lĩnh vực quốc phòng chủ yếu thực hiện theo Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008. Còn về công nghiệp an ninh, Điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định “quản lý, phát triển công nghiệp an ninh” là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của công an nhân dân.

Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2020/NĐ-CP quy định về công nghiệp an ninh. Tháng 2.2021, Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Bộ Công an giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tại mỗi Bộ đã thành lập các cơ quan chuyên môn để tham mưu thực hiện tốt chức năng quản lý về ngành, lĩnh vực (Bộ Quốc phòng có Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; Bộ Công an có Cục Công nghiệp An ninh).

Một số nước trên thế giới, nhất là những nước có nền kinh tế phát triển cao (nước có nền khoa học công nghệ phát triển hiện đại thì công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng hiện đại) có mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là mô hình ưu việt của một số nước trong giai đoạn hiện nay, thực hiện cơ chế đặt hàng theo nhu cầu quốc phòng, an ninh từ nền công nghiệp quốc gia, nhằm khai thác hiệu quả, tối ưu nền công nghiệp quốc gia. Một số nước như Mỹ, Nga, Indonesia, Israel… chỉ có luật về công nghiệp quốc phòng, nhưng phục vụ cho cả lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Từ những phân tích trên đây, thiết nghĩ cần sửa lại cụm từ “công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh” tại dự thảo Nghị quyết cho nhất quán với quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và đặc biệt tránh gây hiểu lầm là có hai nền công nghiệp quốc phòng và nền công nghiệp an ninh độc lập. Bởi vì xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh phải có sự gắn kết, hỗ trợ, tận dụng được thành tựu của nhau; tránh phân tán nguồn lực, gây lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư trong khi khả năng bảo đảm của đất nước có hạn; bảo đảm xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh thực sự trở thành một bộ phận của công nghiệp quốc gia.

ThS. Đoàn Phúc Thịnh  Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng An ninh, Văn phòng Quốc hội