Thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện

- Thứ Tư, 20/10/2021, 07:01 - Chia sẻ
Khi thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các địa phương không được quy định trái với quy định chung. Nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo Trung ương. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với các địa phương khi thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Những ngày qua, số lượng các ca nhiễm mới trên cả nước đã giảm mạnh. Điều đó cho thấy, các biện pháp phòng, chống dịch đã cơ bản phát huy được hiệu quả. Nhiều địa phương đã kích hoạt trở lại đối với một số lĩnh vực. Nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện theo yêu cầu nghị quyết này. Đây là quy định chung trong thực hiện phòng, chống dịch, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện trên toàn quốc. Theo đó, đơn cử như việc xét nghiệm chỉ thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân thực hiện đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng và các trường hợp nghi ngờ. Các cơ sở sản xuất kinh doanh được tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao…

Quy định mới này vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong quyết định xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch. Mặc dù vậy vẫn còn một số địa phương chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, gây ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.

Nhìn nhận về thực thi các quy định phòng, chống dịch từ lĩnh vực giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, Nghị quyết số 128/NQ-CP là quyết sách đúng đắn phù hợp trong tình hình mới để thích ứng linh hoạt với dịch. Tuy vậy, tổ chức thực hiện vẫn là khâu quyết định thành công thực hiện nghị quyết. Theo quy định, áp dụng công nghệ phải quét mã QR để khai báo y tế, nhưng thực tế vẫn có địa phương ghi thủ công từng số xe. Bộ Y tế quy định giấy xét nghiệm có hiệu lực 72 giờ, nhưng có địa phương quy định lại chỉ có hiệu lực trong 48 tiếng hay 24 giờ, ông Thọ nêu dẫn chứng.

Các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, sáng tạo là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc địa phương tự mình "đẻ" thêm các quy định làm khó người dân, doanh nghiệp. Tình trạng trên quy định một đằng, dưới làm một nẻo khi các địa phương thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đã tạo nên tình trạng cát cứ gây bức xúc dư luận thời gian qua. Không chỉ làm khó, tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp mà còn gây ách tắc giao thông hàng hóa, cản trở sản xuất kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, trong trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời hoặc khó khăn, các địa phương cần có báo cáo ngay về các cơ quan của Trung ương để có hướng dẫn kịp thời, phù hợp, tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình thực hiện, không thấy vướng mắc, không có đề xuất kiến nghị hướng dẫn, mà lãnh đạo địa phương ban hành các quy định theo ý mình gây khó người dân, doanh nghiệp thì phải xem xét xử lý nghiêm. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, tự ý ban hành quy định riêng theo kiểu cục bộ, cát cứ gây bức xúc thời gian qua. 

Song Hà