Ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

Thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 05:37 - Chia sẻ
Sáng 23.7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại Tổ về hai nội dung này. 
Cũng trong chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe các Báo cáo và thảo luận tại Tổ về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 được 470/470 đại biểu Quốc hội tán thành, đạt tỷ lệ 94,19% tổng số đại biểu. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV gồm 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ. Cụ thể các bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế. Các cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Tính toán lại cơ cấu nguồn vốn

Trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Ưu tiên hỗ trợ các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến năm 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới… Nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn.

Phạm vi của Chương trình là trên địa bàn nông thôn của cả nước, với đối tượng thụ hưởng là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Cấp xã phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; cấp tỉnh cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cấp thôn phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định.

Dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện Chương trình với tổng nguồn lực giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2,45 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); vốn ngân sách địa phương khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); vốn lồng ghép từ 2 Chương trình MTQG còn lại và các Chương trình, dự án khác khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%); vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%).

Trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Ủy ban Kinh tế tán thành phạm vi Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn cả nước bao gồm tất cả các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ cấu nguồn lực huy động được lồng ghép giữa các chương trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp
Ảnh: Quang Khánh

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện trong việc thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn. 

Đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ĐBQH TP. Hải Phòng, cho biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành cuộc vận động lớn, thay đổi bộ mặt nông thôn, hoàn thành mục tiêu trước kế hoạch gần 2 năm.

Trước băn khoăn của một số đại biểu về sự trùng lặp giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, ở đâu có nông thôn thì đều thực hiện xây dựng nông thôn mới. Chương trình giảm nghèo bền vững thực hiện theo đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo và tập trung ở một số vùng trọng điểm, đối với những đối tượng không có khả năng thoát nghèo thì sẽ chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội. Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi áp dụng theo địa bàn, trên cơ sở tích hợp gần 200 chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có. Do đó, không trùng lặp giữa các Chương trình này, tuy nhiên thực tế sẽ có những địa bàn thực hiện cả 3 chương trình.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, việc thực hiện chương trình nông thôn mới có sự khác biệt theo hướng, vừa tiếp tục phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới ở những nơi chưa đạt và đối với những nơi đã đạt nông thôn mới thì tiến tới làm tốt hơn, nâng cao hơn tiêu chuẩn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình ban hành tiêu chuẩn khung và tùy theo điều kiện địa phương cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp, phấn đấu thực hiện cao hơn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với địa phương tự cân đối được ngân sách thì ngân sách Trung ương không hỗ trợ thực hiện chương trình nông thôn mới. Tuy nhiên cần lưu ý đối với trường hợp của tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam dù tự cân đối được ngân sách nhưng nguồn thu không ổn định và còn nhiều địa bàn khó khăn nên Chính phủ cần tính toán để có mức hỗ trợ phù hợp cho hai địa phương này.

Ở góc độ khác, ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) đề nghị, cần rà soát, điều chỉnh lại một số mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp hơn, nhất là đối với việc hoàn thành mục tiêu về xây dựng giao thông, trường học, thu nhập, giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sản xuất... đối với địa bàn các tỉnh miền núi có nhiều xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, các công trình hỗ trợ phát triển sản xuất và dân sinh còn thiếu, phương thức canh tác chưa tiếp cận với các mô hình hiệu quả gắn với đầu ra, tiêu thụ sản phẩm chưa được bảo đảm. Về cơ cấu nguồn vốn, ĐB Hà Đức Minh đề nghị tính toán lại cho phù hợp, vì đa phần các tỉnh miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong việc cân đối nguồn vốn để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cơ chế phân bổ nguồn vốn phải chia vùng tập trung ưu tiên cho các vùng có các xã hoàn thành nông thôn mới đạt tỉ lệ thấp trong giai đoạn trước để bảo đảm rút ngắn khoảng cách phân hóa giữa các vùng với nhau.

Khó xác định chính xác mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

Trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trong điều kiện mới là rất cần thiết, cấp bách. 

Theo đó, Chương trình được xây dựng theo hướng, về đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Chú trọng hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm vùng nghèo, vùng khó khăn; các tổ chức, cá nhân liên quan.

Chương trình bổ sung các tiểu dự án mới để giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản còn cao của các hộ nghèo ở giai đoạn trước hoặc chưa bố trí đủ nguồn lực thực hiện, gồm: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo và Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và vùng nghèo, vùng khó khăn. Điều chỉnh lại các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình theo hướng phù hợp với yêu cầu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; bổ sung các chỉ tiêu về giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin)…

Tán thành sự cần thiết thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới, song trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, hiện chưa có số liệu cụ thể về tình trạng nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nên khó xác định chính xác mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Ủy ban Xã hội đề nghị, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ cần khẩn trương tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh theo hướng: Các mục tiêu cụ thể cần định lượng được kết quả thực hiện (vì 7/8 mục tiêu cụ thể chưa định lượng được); bổ sung các chỉ tiêu để đo lường được hết các mục tiêu cụ thể (16 chỉ tiêu đề ra chưa đo lường được hết các mục tiêu cụ thể, mục tiêu tổng quát); bảo đảm không có sự trùng lặp giữa các chỉ tiêu (một số chỉ tiêu chủ yếu trùng lặp với chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản)…

Đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Tuy nhiên ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, thời gian vừa qua kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn, đặc biệt là tình trạng tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và miền núi. Nguyên nhân, theo ĐB Siu Hương là bởi chính sách cho hộ mới thoát nghèo chưa nhiều. Ví dụ, chính sách tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo hiện nay chưa phát huy được hiệu quả. Cùng quan điểm này, ĐBQH Đỗ Đức Duy (Yên Bái) đề nghị, cần tiếp tục quan tâm, có chính sách đối với những hộ mới thoát nghèo, không cắt đột ngột mà cần có lộ trình giảm dần để tránh tình trạng tái nghèo xảy ra.

Liên quan đến chính sách với hộ mới thoát nghèo theo đề xuất của Chính phủ, ĐB Siu Hương nhận định, chính sách giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm phát huy hiệu quả thực tế và mang tính bền vững. Tuy nhiên cần rà soát, tính toán kỹ hơn để giáo dục nghề nghiệp thực sự phù hợp với đối tượng được đào tạo và phù hợp với nhu cầu thị trường tại nơi được đào tạo. Với vấn đề việc làm, tạo việc làm, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cân nhắc kỹ tính khả thi khi hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, nhất là tình trạng mất việc làm đang xảy ra với số lượng lớn.

Phương Thủy - Trung Thành